GIÁ CẢ, VÀNG, NGOẠI TỆ TĂNG GIÁ - BÀI 1:

Đảo lộn đời sống, khốn đốn kinh doanh!

Trước khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (diễn ra hôm 22-10), MTTQ Việt Nam đã đem tới nghị trường những lo lắng của cử tri về tình hình lạm phát tăng cao. Thực tế thị trường ngày 21-10, giá vàng, USD trên thị trường tự do vẫn gây nên “sóng” lớn.

“Thù trong, giặc ngoài”

Mấy tuần nay, Mỹ, EU rồi Nhật liên tiếp gây sức ép với Trung Quốc nhằm yêu cầu nước này có giải pháp nâng tỉ giá nhân dân tệ về giá trị thực nhưng không thành. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF thì cất tiếng yếu ớt, không đủ trọng lượng trở thành một định chế tài chính toàn cầu. Chính vì thế, các quốc gia thi nhau áp dụng các biện pháp giảm giá đồng nội tệ, hành động mà nhiều người gọi là “cuộc chiến” tiền tệ thế giới.

Bối cảnh đó, do được định giá theo USD và với độ mở kinh tế lớn, tiền Việt (VND) đã chịu những tác động nhất định, như ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, chỉ số lạm phát và chính sách điều hành tỉ giá của Chính phủ. Sau cú tăng 1,31% hồi tháng 9, chỉ số giá CPI tháng 10 của Hà Nội vừa vọt lên thêm 1,21% dẫn đến những đoán định khó khăn cho việc giữ chỉ số này cả năm ở mức 8% khi mà dư địa không nhiều. Mặt khác, dựa vào việc giá vàng thế giới leo thang, giá vàng trong nước biến động lớn dẫn tới hiện tượng giá ngoại tệ tự do (USD) tăng thẳng đứng.

Đảo lộn đời sống, khốn đốn kinh doanh! ảnh 1

Vàng, ngoại tệ tăng giá gây nhiều xáo trộn trong đời sống và rủi ro cho người kinh doanh. Ảnh minh họa: HTD

Xáo trộn đời sống

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, “cuộc chiến” giữa các nước về tỉ giá ngoại tệ đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý trong nước, nhất là những người có khuynh hướng trữ vàng và ngoại tệ. Ông thừa nhận trong dân chúng hiện đang đặt ra câu hỏi nếu có tiền VND thì làm gì để sinh lời. Trước đây có khuynh hướng đầu cơ vào bất động sản, đầu tư vào chứng khoán. Hiện nay thì thị trường bất động sản rất “xập xình”, thanh khoản cũng rất thấp, còn chứng khoán rủi ro rất cao. Một số người gửi tiết kiệm VND nhưng thấy biến động giá cả, nhất là tình hình tháng 9, tháng 10 và từ đây đến cuối năm, người ta chưa tin tưởng lắm vào sự ổn định của VND. Vì thế, họ có khuynh hướng chạy theo tin đồn, chạy theo biến động giá để đầu cơ tạo nên cung cầu không bình thường về vàng và ngoại tệ trong nước.

Ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng nhiều năm qua, nền kinh tế nước ta tăng trưởng về chiều rộng mà không tăng trưởng về chiều sâu, chất lượng tăng trưởng kém. Vì thế, tính rủi ro của VND còn cao, chưa được bảo đảm tốt. Nhắc lại ý kiến cử tri băn khoăn về lạm phát, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ông Dung xác nhận: “Băn khoăn đó là đúng. Chúng tôi cũng đã có nhiều ý kiến với Quốc hội và Chính phủ, đề nghị giữ mức lạm phát thấp. Chứ để lạm phát cao làm mất giá trị đồng tiền. Và khi đồng tiền mất giá thì bao nhiêu chính sách về trợ cấp xã hội, bảo hiểm, đồng lương bị vô hiệu, người dân thiệt thòi rất lớn”. Ông lấy ví dụ, trước đây người dân gửi mấy chục triệu đồng bảo hiểm có giá trị là mấy cây vàng. Nhưng nếu để lạm phát cao, VND mất giá thì sau mấy chục năm người dân chẳng còn bao nhiêu.

Thậm chí, theo ông Dung, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng đến các chính sách cho người có công, thương binh, liệt sĩ cũng như những người làm công ăn lương. “Điển hình nhất là lương, bao năm qua chúng ta có điều chỉnh đâu. Trong khi có những năm lạm phát đến 19,9%. Cộng lại trong mấy năm, có lẽ lạm phát cũng đến quá 50%. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần nhận thức vấn đề rõ ràng hơn để trong từng giai đoạn khống chế trần lạm phát ở mức hợp lý” - ông nói.

Tăng nhập siêu

Cạnh đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch mổ xẻ nguy cơ khác tác động lớn đến kinh tế vĩ mô là tình trạng nhập siêu rất cao. “Năm nay, mặc dù tỉ trọng so với xuất khẩu có giảm hơn năm ngoái một chút nhưng số tuyệt đối vẫn cao khoảng 13,5 tỉ USD. Chính nhập siêu này khiến người ta lo lắng đến khả năng giữ giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ, ảnh hưởng đến tâm lý. Tôi cho rằng đây là những yếu tố tác động trong những ngày qua làm cho thị trường biến động” - ông Lịch nói.

Nhà doanh nghiệp Phạm Thị Loan, đại biểu Hà Nội, xác nhận biến động tỉ giá như hiện tại “đã làm cho doanh nghiệp chúng tôi thiệt hại khá nặng nề do nhập khẩu nhiều bởi đến kỳ thanh toán tỉ giá tăng quá cao, hơn mức dự tính”. Theo bà, VND đang ngày càng giảm giá, mà điển hình là năm nay mất giá đến mấy lần. “Mà mất giá ở đây không phải vì phục vụ xuất khẩu, mà là do việc điều tiết nền kinh tế chưa thật chuẩn và do nhập siêu quá nhiều. Nhập siêu nhiều mà không cân đối được cán cân thương mại dẫn đến việc thiếu ngoại tệ, phải tăng tỉ giá lên. Đấy là thụ động chứ không phải chúng ta chủ động giảm giá VND” - bà nói.

VND không nên “neo” vào một ngoại tệ

Phân tích mối quan hệ giữa nhân dân tệ - USD cùng cán cân thương mại của VN - Trung Quốc, VN - Mỹ, có ý kiến đề xuất VN nên điều chỉnh nhẹ tỉ giá VND/USD tương xứng với tốc độ điều chỉnh tự nhiên của nhân dân tệ (0,75%). Ngoài ra, nên xem xét thay đổi hẳn chế độ “neo” tỉ giá VND với USD hiện tại sang chế độ “neo” VND với một rổ tiền tệ bao gồm USD, RMB, EUR, JPY. Căn cứ vào tổng kim ngạch XNK của VN với Mỹ, Nhật, Trung Quốc và EU, tỉ lệ đề xuất như sau: (22,87% USD); (23,54% JPY); (32,54% RMB); (21,05% EUR).

THU HẰNG - THÀNH VĂN - THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm