Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng thời gian qua kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Bắt đầu từ quý II năm 2017 có sự đổi chiều tăng trưởng tốc độ cao hơn. Để có kết quả này, rõ ràng Chính phủ đã có những đổi mới toàn diện.
“Năng suất lao động của chúng ta đã tăng lên rất nhiều, đạt 102 triệu đồng/1 lao động. Mặc dù vậy vẫn còn thấp hơn các quốc gia phát triển trong khu vực”, ông Lợi thông tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ giải đáp những thắc mắc của các đại biểu. Ảnh: N.LONG
Cũng theo ông Lợi, năng suất lao động Việt Nam thấp là do trình độ lao động thấp. Hiện chỉ có khoảng hơn 23-25 % lao động có bằng cấp, còn lại hơn 75% là chưa có bằng cấp chứng chỉ, lao động có trình độ thấp.
Đồng tình với ông Lợi, Chủ tịch công đoàn của Công ty may 10, ông Trần Quý Dân, cho rằng đầu tiên là công tác đào tạo hiện nay nặng lý thuyết, không gắn với thực hành nên ra trường không làm được việc. “Thứ hai, lao động chưa có tác phong công nghiệp, không sắp xếp được công việc khoa học. Thứ ba là lao động còn chưa thích ứng, tận dụng được thế mạnh khoa học công nghệ, chưa có sự sáng tạo”, ông Dân nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khi đề cập tới năng suất cần phải nói đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động. Hiện nay tỷ lệ lao động ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn còn rất cao (chiếm 38%). Đây là điều căn bản, cần chú trọng.
“Muốn đẩy mạnh năng suất lao động cần giải quyết hài hòa nhiều yếu tố như: Đào tạo nghề, cải cách tiền lương, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng môi trường doanh nghiệp…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết thúc buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra những thành tựu của đất nước trong hơn 30 năm đổi mới. Nhưng Thủ tướng cũng cảnh báo nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó chỉ số thể hiện rõ nhất là năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp và kinh tế phát triển chưa bền vững.
Bên cạnh đó là nguy cơ chống phá, "diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch", "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Thủ tướng cũng nhắc đến nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng, chính quyền. Việc bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển đảo còn nhiều khó khăn thách thức.
Trong khi đó, một bộ phận người dân, trong đó có công nhân, viên chức, lao động thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Phần lớn công nhân phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống.
Để tạo thành sức mạnh dân tộc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng cho rằng mỗi người phải thường xuyên học tập, tự học, học suốt đời. Học để thích nghi với bối cảnh tình hình mới, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, tay nghề. Đặc biệt là hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, để có năng suất cao, thu nhập tốt, để cuộc sống không ngừng được cải thiện.
“Mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động phải đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần phụng sự, cống hiến, về khát vọng vươn lên, về lòng tự trọng, liêm chính và trung thực, về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội…” Thủ tướng nhấn mạnh.