Đề bài đặt ra: 3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời. Ban tổ chức đã đưa ra đáp án là 6 và cho rằng coi mặt trăng = 7, ngôi sao = 9, rồi suy ra mặt trời = 6 thì tự khắc sẽ ra kết quả này. Tuy nhiên, nếu với đáp án là 6 thì phương trình cuối cùng sẽ trở thành một phương trình không tưởng 50=52 (?!).
Câu hỏi này kèm đáp án sai đã “tặng không” cho hai thí sinh chọn đáp án “6” (trong đó có nhà vô địch Đặng Thái Hoàng).
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) - thẳng thắn cho rằng câu hỏi này là một bài toán không đạt chuẩn: “Trong các sách toán học từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp một dạng bài nào quy chiếu kiểu 3 mặt trời = 2 ngôi sao. Như thế là bằng nhau theo nghĩa gì? Bài toán đưa ra các khái niệm “ngôi sao”, “mặt trăng”, “mặt trời” thì phải đối chiếu trên cùng một hệ đo lường, về khối lượng hay về diện tích bề mặt..., chứ không thể nói khơi khơi một cái này bằng vài cái kia bất chấp chúng rất khác nhau. Thà cứ đặt ẩn giản dị là x, y, z thì còn chấp nhận được. Ra đề toán như vậy là rất vô lý” - PGS Lương nhấn mạnh.
Theo PGS Lương, cách ra đề hoàn toàn không ổn và đáp án thì không cần phải bàn cãi về sự sai sót nữa: “Giả sử đề bài đúng, đáp án chính xác phải là 17/3. Còn muốn đáp án là 6, không cách nào khác phải ra một đề hoàn toàn... khác!”.
Trước yêu cầu có một phản hồi nhanh, có trách nhiệm, giảm tổn thương cần thiết cho cả bốn thí sinh của trận chung kết, ông Nguyễn Hà Nam - trưởng ban thư ký biên tập Đài truyền hình Việt Nam (VTV) - chỉ thông báo: “VTV đã yêu cầu ban thể thao - giải trí và thông tin kinh tế rà soát toàn bộ diễn biến cuộc thi. Đề bài đã được hội đồng cố vấn chuẩn bị kỹ càng chứ không phải do phía đài soạn ra, nên việc đúng sai chưa thể kết luận ngay được”.
Theo NGA LINH - NGỌC HÀ (TT)