Đất đã rào lưới B40 làm ranh vẫn kiện nhau ra tòa

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Phỉ (sinh năm 1952) và bị đơn là ông Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1981).

Theo hồ sơ, đất tranh chấp (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang) có nguồn gốc của ông VVK (đã chết). Năm 1988, con ruột, con dâu và cháu nội làm giấy sang nhượng đất vườn, đất ruộng cho ông Võ Văn Hoàng (cháu ruột ông K., chồng bà Phỉ).

Sau khi sang nhượng, ông Hoàng san lấp, trang trải đất để cất nhà, trồng cây lâu năm đến nay hơn 30 năm không ai tranh chấp vì đất có trụ đá và hàng rào lưới B40.

Năm 2017, chồng chết, bà Phỉ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất thì phát hiện đất bà đang sử dụng có một phần nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của ông Tú.

HĐXX phúc thẩm đồng tình với án sơ thẩm về cách thẩm định, đo xác định kết quả. Ảnh: H.YẾN

Bà Phỉ có yêu cầu ông Tú điều chỉnh giấy đất cho đúng diện tích đang sử dụng nhưng không được đồng ý. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu trả lại diện tích đất đã lấn chiếm và hủy GCNQSDĐ cấp cho ông Tú.

Trong khi đó, ông Tú cho biết nguồn gốc đất là của ông nội đã chết cho lại. Năm 1980 đến năm 2001, gia đình làm thủ tục cấp GCNQSDĐ và được UBND huyện cấp cho cha của ông. Sau khi cha chết, gia đình thống nhất sang tên lại cho ông được UBND cấp GCNQSDĐ với diện tích 4.420,8m2 loại đất ở và đất cây lâu năm khác.

Trên đất, ông Tú trồng cây lâu năm (xoài) và căn nhà xây dựng đã lâu cách đây khoảng 20 năm. Do được cấp GCNQSDĐ đúng quy định pháp luật, đúng diện tích nên không đồng ý yêu cầu của bà Phỉ. 

Ngoài ra, ông Tú có yêu cầu phản tố, yêu cầu bà Phỉ trả lại diện tích đất lấn chiếm chiều ngang mặt tiền 0,8m, ngang mặt hậu khoảng 0,4m, dài 174m. Cũng theo ông, hàng rào lưới B40 chỉ là hàng rào tạm để giữ tài sản chứ không phải là ranh đất.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phỉ do bà rút yêu cầu đòi bị đơn trả lại diện tích đất lấn chiếm. Toà chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, hủy GCNQSDĐ của ông Tú, không chấp nhận yêu cầu phản tố. Các đương sự có nghĩa vụ đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.

Sau đó, ông Tú kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm giải quyết buộc phía nguyên đơn phải tháo dỡ hàng rào và trả lại phần đất lấn chiếm cho mình.

HĐXX nhận định năm 2000 có đoàn đo đạc đại trà, cha ông Tú có yêu cầu đo đạc phần đất của mình. Đến đầu năm 2001, gia đình đi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất thì xảy ra tranh chấp ranh đất với chồng bà Phỉ. 

Tại biên bản hòa giải của Ban ấp Tấn Quới, xã Tấn Mỹ, đôi bên thống nhất hòa giải, thống nhất xác định lại ranh đất của hai bên và tiến hành kéo dây trồng trụ đá, kéo lưới B40 phân định ranh đất. Đất của mỗi bên quản lý và sử dụng ổn định cho đến nay.

Do các đương sự không thông báo đến cơ quan đo đạc hoặc cơ quan có thẩm quyền kết quả hòa giải về ranh đất nên Hội đồng xét cấp giấy của xã Tấn Mỹ thống nhất xét cấp và trình UBND huyện Chợ Mới tiến hành cấp GCNQSDĐ cho phía bị đơn theo biên bản xác định ranh giới, mốc giới ngày 7-7-2000.

Tòa sơ thẩm đã tiến hành đo đạc phần đất tranh chấp. Kết quả đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện diện tích đất tranh chấp ngang mặt tiền 0,83m, ngang mặt hậu 0,31m, dài 173,66m, tổng diện tích 97,7m2 đều nằm bên hàng rào của bà Phỉ.

Từ năm 2001 đến nay, bà Phỉ quản lý, sử dụng đúng biên bản hòa giải trước đó. Do không đăng ký biến động lại nên diện tích đất trên vẫn nằm trong GCNQSDĐ của bị đơn và UBND huyện cũng xác định trong GCNQSDĐ của bị đơn có 97,7m2 đất của bà Phỉ.

Việc bà Phỉ yêu cầu hủy GCNQSDĐ cấp cho bị đơn để điều chỉnh lại diện tích đất thực tế các bên sử dụng là có cơ sở. Yêu cầu phản tố của bị đơn là không có cơ sở.

Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm