Đất nông nghiệp không phải hũ vàng

Có trong tay khoảng 1 tỉ đồng, số tiền này không đủ để đầu tư căn hộ; hoặc nếu dùng thêm vốn vay thì biên độ tăng của loại hình này cũng quá thấp, chỉ khoảng 10%/năm; hay đầu tư vào chứng khoán ở thời điểm này không phải ai thích “ghé thăm” cũng được. Do vậy, đã có không ít người chọn đổ tiền vào đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm với kỳ vọng sau 3-5 năm số tiền sẽ “sinh sôi nảy nở” gấp nhiều lần.

Đầu tư căn hộ hay đất nông nghiệp

Chị Thúy Hà (quận 9, TP.HCM) cho biết chị đầu tư mua một căn hộ 56 m2 với giá 1,25 tỉ đồng/căn hai phòng ngủ, đã thanh toán 70%, tương đương khoảng 850 triệu đồng. Sau một năm đầu tư, muốn bán chị chỉ nhận được chênh lệch 50-60 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền này nếu gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 8%/năm cũng được 68 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận thu được từ chênh lệch của căn hộ mà chị Hà đầu tư thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng.

Theo chị Hà, đầu tư căn hộ với tầm 1-1,5 tỉ đồng thì sau 3-5 năm cũng chỉ lên được tối đa 30%-50%, trong khi đó nếu đổ tiền vào đất nông nghiệp thì sau năm năm có thể đạt lợi nhuận tối thiểu 300%. Dù nhận ra chênh lệch lợi nhuận và muốn dịch chuyển kênh đầu tư nhưng để thoát hàng vào thời điểm này cũng không dễ dàng.

Anh Tuấn Trung, dân Sài Gòn vừa quyết định mua một miếng đất ở khu vực đèo Mimosa, chia sẻ: “Ngày 8-3, tôi lên Đà Lạt vừa là để nghỉ dưỡng, vừa để quan sát thị trường thì được biết có một lô đất được rao bán 4,5 triệu đồng/m2. Rất nhiều khách xem lô đất này và rất muốn mua nhưng không ai chịu xuống tiền với lý do trước mặt miếng đất này có lô đất mà chủ đất đã cắt ra bán cho người khác.

Chưa kể, cả hai người nhận sang nhượng đều không có quyền được đứng tên riêng trên sổ đỏ do chính sách chỉ cấp sổ cho đất có diện tích từ 500 m2 trở lên. Giải pháp tôi đưa ra là hẹn gặp cả chủ đất và chủ miếng đất phía trước, đàm phán mua lại với giá là 5 triệu đồng/m2. Ngay khi xây xong taluy thì đã có người gọi hỏi sang nhượng với giá 7 triệu đồng/m2 nhưng tôi không có ý định bán”.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, những miếng đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm dễ sang nhượng thì chắc chắn có vị trí rất đẹp, tiềm năng. Còn thực tế không ít nhà đầu tư mua đất vườn nhưng chỉ vài năm sau thì chật vật tìm cách thoát hàng mà không dễ.

Đơn cử như năm 2017, các nhà đầu tư kéo nhau về xã Cù Bị, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) để gom đất nông nghiệp khiến giá ở đó tăng vù vù từ vài trăm ngàn lên vài triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hai năm sau đã có nhà đầu tư muốn “đẩy” một khu đất rộng với giá trị lên đến 23 tỉ đồng, lúc đầu tìm được người nhận chuyển nhượng nhưng chỉ vài ngày sau thì họ đã chấp nhận bỏ cọc và hủy bỏ giao dịch. Tương tự, ở nhiều nơi như Bình Phước, Đắk Nông có những người ôm 3-4 năm không lời chút nào và giờ đang tìm cách bán tháo.

Một mảnh đất nông nghiệp tại khu vực thuộc địa phận đèo Mimosa, Đà Lạt vừa được một nhà đầu tư mua với giá 3,5 tỉ đồng. Ảnh: THÙY LINH

Không dễ như ăn bánh

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Netland, cho biết theo khảo sát, hiện giá đất nông nghiệp không thổ cư ở khu vực Đà Lạt dao động từ 400 triệu đồng/1.000 m2 trở lên. Có những miếng đất có vị trí đẹp, gần trục giao thông chính, gần khu dân cư thì giá có thể lên tới 10 tỉ đồng/1.000 m2, nếu đất nông nghiệp mà có một phần thổ cư thì giá sẽ là trên 10 triệu đồng/m2 tùy vị trí và tùy view.

Tương tự, giá đất nông nghiệp ở khu Đức Trọng dao động 500-700 triệu đồng/1.000 m2, giá khu Bảo Lâm quanh khu vực đập, khu du lịch Lộc An và khu Di Linh tùy khu dao động 300-450 triệu đồng/1.000 m2.

Tại Đồng Nai, từ tết tới tầm cuối tháng 2, giá đất vườn chỉ 500-600 triệu đồng/1.000 m2 nhưng từ tầm 8-3 trở đi thì giá liên tục tăng và hiện tại chủ đất vườn rao bán từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng/1.000 m2 tùy vị trí.

Còn theo đại diện Công ty Vstarland, do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc đầu tư của người dân bị hạn chế. “Để giải quyết khó khăn này, chúng tôi dùng flycam quay lại toàn bộ view, vị trí của khu đất kèm với hồ sơ pháp lý rồi gửi cho khách hàng. Sau khi đã trao đổi thông tin sơ bộ, khách hàng có thiện chí mua sẽ đến tận nơi xem lô đất, chứ không có chuyện ngồi một chỗ mà lại xuống tiền mua đất trên online. Cứ 10 người đi xem trực tiếp thì có khoảng 70% số người đặt cọc” - vị đại diện Công ty Vstarland nói.

Theo TS Đinh Thế Hiển, nếu tính đường dài năm năm, bảy năm, 10 năm thì đúng là mua một miếng đất nông nghiệp rồi để đó có thể tăng giá. Một khi đã chấp nhận đầu tư đất nông nghiệp thì phải mua bằng dòng tiền nhàn rỗi và không có chuyện đầu tư lướt sóng đối với đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, mà phải “ngâm vốn” ít nhất 3-5 năm.

Kiểm tra kỹ nguồn gốc, tính pháp lý của lô đất

Theo luật sư Huỳnh Trung Hiếu (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), khi mua đất nông nghiệp, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin xem nơi có đất định mua đó được quy hoạch như thế nào, loại đất định mua (đất trồng lúa hay đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, lâu năm…), đất có nằm trong quy hoạch hiện hữu nào hay không.

Để xác minh được điều này, người mua nên chủ động liên hệ UBND xã (phường), quận (huyện) nơi có mảnh đất để hỏi rõ vấn đề pháp lý. Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai phải được lập hợp đồng bằng văn bản và có công chứng, chứng thực, đăng ký của cơ quan có thẩm quyền. “Nếu việc mua bán không tuân theo các quy định trên về mặt hình thức thì sẽ không được pháp luật công nhận (vô hiệu)” - luật sư Hiếu nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm