Chúng tôi mạnh dạn đề nghị đổi tên xa lộ Hà Nội thành đại lộ Võ Nguyên Giáp. Lý do: Đây là con đường huyết mạch từ miền Bắc, miền Trung vào thành phố, cũng là con đường chính đưa đoàn quân chiến thắng đi thẳng vào dinh Độc Lập sáng 30-4-1975, chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng mang đậm dấu ấn của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp. Nối tiếp đường này qua cầu Sài Gòn là đường Điện Biên Phủ, cũng là địa danh lịch sử gắn liền với tên tuổi Đại tướng, rất hợp tình hợp lý và có sự liên hệ lịch sử…
Việc đặt tên đường phố nhằm tôn vinh và nhắc nhở mọi người nhiều thế hệ tưởng nhớ, ngưỡng vọng những nhân danh, địa danh đáng kính, đáng trân trọng trong lịch sử. Tên xa lộ Hà Nội do sau 1975 đổi từ tên xa lộ Biên Hòa nhưng ý nghĩa lại không giống nhau. Xa lộ Biên Hòa là do nhân dân quen gọi từ khi khánh thành con đường mới mở này đầu những năm 1960 - con đường thuộc loại cao tốc, rộng rãi nhất miền Nam bấy giờ. Xa lộ là đường dành cho xe chạy, từ Sài Gòn đến Biên Hòa nên gọi là xa lộ Biên Hòa. Khi đổi sang tên xa lộ Hà Nội, có lẽ những người đặt tên đường muốn nhân dân khi đi qua đây ngưỡng vọng tới Hà Nội. Nhưng Hà Nội là thủ đô, là trái tim của cả nước thì ai mà không biết, không nhớ, đâu cần phải nhắc nhớ nữa.
Việc đổi tên, đặt tên đường trước đây không ít trường hợp khá tùy tiện, rồi đổi tới sửa lui, gây không ít khó khăn cho người dân. Có thể nêu một vài trường hợp tùy tiện trong chuyện đổi, đặt tên đường như chuyện đổi tên các con đường Pasteur và Alexandre de Rhode. Sau 1975, đường Pasteur đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai, còn đường Alexandre de Rhode thành đường Thái Văn Lung. Mấy năm sau, đường Nguyễn Thị Minh Khai bị cắt đôi, khúc đầu ở quận 1 vẫn là Nguyễn Thị Minh Khai, còn đoạn thuộc quận 3 mà cuối đường có viện Pasteur mang lại tên Pasteur. Mấy năm sau nữa, cả con đường đã được trả lại tên cũ Pasteur, còn tên Nguyễn Thị Minh Khai được chuyển sang con đường hiện nay, vốn trước đó là một nửa con đường mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh đã bị cắt đôi, nửa còn lại thuộc quận Bình Thạnh hiện vẫn mang tên cũ. Còn đường Alexandre de Rhode sau hơn 20 năm đổi sang tên Thái Văn Lung, đến năm 1996 đã được phục hồi tên cũ và tên luật sư yêu nước Thái Văn Lung thì chuyển sang thay đường Đồn Đất trước BV Nhi đồng 2. Một chuyện xóa tên, đổi tên đường khác cũng gây bức xúc trong nhiều giới. Đó là con đường mang tên vị vua yêu nước Thành Thái ở quận 5, sau 1975 đã bị xóa. Hơn 30 năm sau, nhân có con đường mới mở nối dài đường Nguyễn Tri Phương đến đường Lý Thường Kiệt, quận 10. Thế là tên vị vua yêu nước Thành Thái mới được phục hồi và đặt tên cho con đường mới này. Trong khi đó thì con trai ngài, vị vua yêu nước Duy Tân, trước kia được đặt tên cho một con đường đẹp ở trung tâm Sài Gòn nhưng sau 1975 đã bị thay bằng tên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Xin nhắc lại một chút lịch sử về vua Duy Tân. Sau cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1916, nhà vua trẻ tuổi đã bị Pháp lưu đày cùng với vua cha Thành Thái đến đảo Réunion thuộc Pháp tận đông Phi châu. Trong Thế chiến thứ II, vua Duy Tân tham gia quân đội Pháp chống phát xít Đức, đến khi đồng minh chiến thắng, ông tìm cách về Việt Nam mưu sự phục quốc nhưng đã bị chết trong tai nạn máy bay. Trong 13 vua triều Nguyễn, có ba vua chống Pháp bị bắt lưu đày là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân thì nay hai vua Hàm Nghi và Thành Thái đã có tên đường tương xứng, chỉ còn vua Duy Tân, thiết nghĩ nên có một con đường lớn tương xứng với ý chí và lòng yêu nước của ông.
PHẠM CHU SA