Sau một thời gian thị trường bất động sản (BĐS) huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh bị đóng băng vì lệnh cấm giao dịch của các cơ quan quản lý, những ngày gần đây nơi này bắt đầu sôi động trở lại. Nhiều sàn BĐS mới mọc lên, ô tô đậu thành hàng nhưng không phải nơi nào cũng nóng bỏng tay như thời kỳ đầu năm 2018.
Nóng lạnh thất thường
Chúng tôi có mặt ở một sàn BĐS mới mọc lên ở thị trấn, nhân viên môi giới tên K. nồng nhiệt chào đón. Chỉ vào tấm bản đồ tổng thể các dự án tại Vân Đồn trên tường, K. cho biết sàn của mình có đủ loại đất, từ các khu tái định cư đến dự án phát triển nhà đang nóng. Theo K., thị trường từ đầu năm 2019 bắt đầu nóng trở lại nhưng... tùy nơi.
Ghi nhận thực tế tại khu tái định cư xã Hạ Long trước đây có khá đông cò đất tập trung trước lối vào nhưng hiện nay vắng lặng. Khu đất được kê giá 25-30 triệu đồng/m2 vẫn đang là bãi cỏ dại. Tương tự là khu tái định cư ở xã Đoàn Kết, nơi được coi là dự án có giá rẻ nhất Vân Đồn. Giá đất tại đây dao động 12-17 triệu đồng/m2 nhưng khách đến xem khá ít. Hiện tại đã có một số hộ dân xây nhà nhưng phần nhiều diện tích vẫn là đất hoang.
Tại dự án đô thị trung tâm thị trấn Cái Rồng hay dự án khu đô thị Vương Long năm ngoái sốt xình xịch năm nay tình hình không mấy khả quan. Các dự án này vẫn giữ giá cao ngất ngưởng, 30-45 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, một dự án có dấu hiệu được quan tâm hiện nay là dự án Phương Đông tại xã Đông Xá. Dự án này có diện tích phổ biến là 87,5 m2, biên độ giá chênh lệch rất lớn là 27-45 triệu đồng/m2 tùy mảnh. Cạnh đó, đất dọc trục đường 334 từ Đông Xá đến Hạ Long, một số dự án như khu đô thị Thống Nhất… cũng đang dần nóng trở lại. Theo nhiều sàn giao dịch, giá đất nền đang tăng dần ở mức 10%-15% so với hồi tháng 7-2018. Những lô đất có vị trí đẹp, mặt tiền trục đường chính có mức tăng đến 20%.
Khu tái định cư xã Hạ Long vẫn còn đất trống khá nhiều, dân mang lúa ra đường phơi. Ảnh: ĐỖ HOÀNG
Không đua theo phong trào
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng việc trong một vùng đất mà có cả dự án nóng sốt lẫn những dự án đóng băng là điều bình thường.
“Tại Hà Nội cũng từng có những dự án tạo cơn sốt lâu dài vì tạo được một quần thể có nhiều sức hút đối với khách hàng. Đối với Vân Đồn, thời gian gần đây đang có những khởi sắc trở lại qua sự đầu tư mạnh về hạ tầng xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế những phần đầu tư này mới chỉ dừng lại ở đường sá thuận tiện hơn, còn tạo hình được một khu vực chất lượng, tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế thì chưa có” - ông Đính nhận định.
Theo chuyên gia này, những nhà môi giới thường rất khéo léo kích thích đầu tư, lôi kéo các nhóm khách hàng bằng các chiêu trò, các món hời trong tương lai. Có điều không phải nhà đầu tư nào cũng đủ am hiểu thị trường để nhận định. Do đó, nếu chỉ nghe bánh vẽ rồi lao vào đầu tư thì sẽ rất rủi ro.
“Khi thấy có hiện tượng đầu tư theo đám đông, khách hàng phải hết sức thận trọng, phân tích kỹ lưỡng đám đông đó là ai. Nếu họ là khách hàng có nhu cầu thực sự thì dự án đó đúng là đang được người tiêu dùng quan tâm. Song nếu đa số chỉ là người mua qua bán lại, lại còn là người không am hiểu ăn theo phong trào thì không nên hùa theo” - ông Đính chia sẻ.
Ngoài ra, tổng thư ký Hội Môi giới BĐS khuyến cáo các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về dự án, trả lời rõ ràng được câu hỏi “Vì sao dự án đó có sức hút? Vì sao dự án đó tăng giá trong khi các dự án xung quanh thì không?”. Lý giải cho điều này, ông Đính nói: “Giá trị của BĐS chỉ gia tăng khi có những hạng mục đầu tư thực tế để nâng cao giá trị của BĐS đó. Khách hàng cần cẩn trọng để tránh trường hợp cơn sốt ảo trước đây từng xảy ra tại Vân Đồn và Phú Quốc. Khi ấy nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” đã tham gia và đẩy giá đất tại các khu vực này lên mức đỉnh điểm, tạo nên bong bóng BĐS rất nguy hiểm”.