Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng, tiêu cực bằng cả trái tim vì nước, vì dân

Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng, tiêu cực bằng cả trái tim vì nước, vì dân

(PLO)- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đề cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vừa nghiêm trị bằng pháp luật đối với cán bộ thoái hóa, biến chất với quyết tâm làm trong sạch bộ máy.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đeo đuổi suốt cả gần ba nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận: Quan điểm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Tổng Bí thư thật sự là một mệnh lệnh, làm cho cán bộ hư hỏng phải run sợ.

p2-anh-chinh.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Không nhân nhượng, không thỏa hiệp trước tham nhũng

. Phóng viên: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh như thế nào, thưa ông?

+ TS Vũ Trung Kiên: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đặc biệt của mình trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Song có lẽ một trong những dấu ấn sâu đậm nhất, sẽ mãi mãi được hậu thế nhắc tới và khâm phục là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chắc chắn phải là một nhà lãnh đạo liêm chính với bàn tay “sạch” và trái tim yêu nước cháy bỏng, không nhân nhượng, thỏa hiệp trước cái xấu, cái tệ hại, ông mới có thể phát động và thực hiện có hiệu quả công cuộc “đốt lò” vĩ đại đến như vậy.

Vì nhân dân, vì đất nước, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, ông đã đưa ra ánh sáng hàng loạt cán bộ hư hỏng của Đảng.

Quan điểm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong suốt thời gian ông làm trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau này là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) không còn là câu khẩu hiệu mà thật sự là một mệnh lệnh, đã làm cho nhiều kẻ xấu phải chùn tay, run sợ.

. Những kết quả từ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những năm qua là một minh chứng rõ nét nhất của việc vừa đề cao vấn đề đạo đức, sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, vừa cho thấy sự quyết liệt nghiêm trị những cán bộ hư hỏng, kể cả cán bộ cấp cao?

+ Quả thực là như vậy. Bởi một mặt, Tổng Bí thư đề cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, một mặt sử dụng pháp luật để nghiêm trị những cán bộ thoái hóa, biến chất.

Không chỉ chống tham nhũng, Tổng Bí thư còn chỉ ra một trong những nguồn gốc của tham nhũng đó là tiêu cực. Vì vậy, không chỉ chống tham nhũng mà còn đánh vào “gốc” sinh ra tham nhũng, đó là “tiêu cực”, tức đề cao giáo dục đạo đức, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên…

dau-an-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-bang-ca-trai-tim-vi-nuoc-vi-dan-vu-trung-kien.jpg
TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”

. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh để chống tình trạng “lợi ích nhóm”, cán bộ lạm quyền thì phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Điều này đã được cụ thể hóa ra sao?

+ “Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” thực ra là cách nói hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác kiểm soát quyền lực.

Kiểm soát quyền lực ở đây chính là kiểm soát quyền lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” thì cần các cơ chế kiểm soát quyền lực.

Từ đó, Đảng đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định như Quy định 114, Quy định 131, Quy định 132 (đều được ban hành năm 2023) của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Các quy trình về công tác cán bộ cũng được cụ thể hóa trong các quy định và rõ hơn các khâu, các bước.

Ngoài ra, Đảng còn ban hành Quy định 41 (năm 2021) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong đó quy định “Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng”.

Từ việc thực hiện quy định này, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nhận trách nhiệm và xin thôi giữ các chức vụ đảm nhiệm tạo nên một luồng sinh khí mới trong Đảng về tính tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng, tiêu cực bằng cả trái tim vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: TTXVN

“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”

. Như ông đã nói, cùng với pháp trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn dùng cả đức trị để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

+ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương mẫu mực về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Sinh thời, nhiều lần khi nhắc tới những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư luôn xúc động. Trong một lần phát biểu, Tổng Bí thư đã nói: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đấy mới là người cộng sản chân chính”.

Trong con người ông, hai mặt lý luận và thực tiễn luôn song hành và gắn bó chặt chẽ với nhau - đề cao lý luận song không xa rời thực tiễn; coi trọng thực tiễn song soi sáng bằng lý luận, trong đó có vấn đề tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”...

Là một nhà lãnh đạo mẫu mực, Tổng Bí thư luôn đòi hỏi cao và kỳ vọng xây dựng một đội ngũ cán bộ thật sự là những người có đạo đức, tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân.

Có thể thấy trong những năm ông là người đứng đầu Đảng, rất nhiều quy định về nêu gương được ban hành và triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, giúp Đảng lấy lại niềm tin của nhân dân. Bởi ông luôn quan tâm đến tính gương mẫu, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.

Đáng chú ý gần đây nhất Quy định 144 (năm 2024) của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới đã ra đời. Quy định 144 đã đưa ra năm chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, gồm: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Nếu như với Quy định 37 (năm 2021) của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm thì Quy định 144 quy định nhiều điều mà đảng viên phải làm xoay quanh vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Chống tham nhũng, tiêu cực là mệnh lệnh sống còn của Đảng

. Tiếp nối những giá trị to lớn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, Đảng ta cần tiếp tục thực hiện một cách mạnh mẽ và hiệu quả công cuộc phòng, chống tham nhũng như thế nào, thưa ông?

+ Tổng Bí thư đã nhóm lò, đốt lò, nhiệm vụ của những người kế tục sự nghiệp của ông là phải tiếp tục di sản này để “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

Chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ là một công việc dễ dàng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, vì vậy có những ý kiến băn khoăn, lo lắng về việc sau Tổng Bí thư liệu công cuộc này có còn được tiếp tục mạnh mẽ hay không cũng là những băn khoăn, lo lắng đầy trách nhiệm.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một trong những nguyên nhân làm cho uy tín của Đảng trong dân giảm sút là một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu Nhân dân. Vì vậy, để củng cố vững chắc hơn nữa niềm tin của Nhân dân, chắc chắn Đảng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bởi đây chính là mệnh lệnh sống còn của Đảng.

. Xin cảm ơn ông.

Các quyết nghị đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có thể kể đến ba nghị quyết, kết luận quan trọng mà từ đó đã làm thay đổi căn bản toàn diện công tác này.

Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay (Nghị quyết 12/2012); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (Nghị quyết 04/2016).

Kết luận 21/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

TS VŨ TRUNG KIÊN

******

Ý KIẾN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương PHAN ĐÌNH TRẠC:

Quyết liệt, kiên trì trong phòng, chống tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu rằng rất đau xót, nghẹn ngào khi phải xử lý đồng chí, đồng đội của mình. Tuy nhiên, vì sự nghiêm minh, kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.

p3-phan-dinh-trac.jpg

Có thể nói chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta lại được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, hiệu quả như thời gian qua và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện cả ở Trung ương lẫn địa phương.

Phải khẳng định sự gương mẫu, quyết liệt, kiên trì, kiên quyết không ngừng nghỉ, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư, trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn và là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

------

PGS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:

Củng cố vững chắc niềm tin trong Đảng, trong dân từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

13 năm với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, được bổ sung và phát triển vào năm 2011 (từ Đại hội XI).

Về phương diện xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị nhà nước pháp quyền có cống hiến rất lớn của Tổng Bí thư, đặt trong mối quan hệ xây dựng với chỉnh đốn Đảng.

Một điểm nữa chúng ta cần phải thấy ở Tổng Bí thư là ông hết sức chú ý rèn luyện đạo đức, phẩm chất theo tấm gương của Bác Hồ, trong đó đòi hỏi xây dựng Đảng về đạo đức, làm sao cho Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh như mong muốn của Bác Hồ. Kiên quyết đấu tranh chống sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

p2+3-nguyen-trong-phuc.jpg

Với tư cách là trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã đưa công việc chống tham nhũng, tiêu cực lên một tầm cao mới, mang lại những hiệu quả tích cực, củng cố niềm tin trong Đảng và trong nhân dân, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Đặc biệt ở nhiệm kỳ XIII này, công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ, kể cả cán bộ cấp cao cũng bị xử lý.

Phong cách của Tổng Bí thư mang phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều này được thể hiện rất rõ giữa nói và làm, giữa quyết định những vấn đề lớn và cụ thể. Mối quan hệ giữa tư duy chiến lược với những quyết sách cụ thể, gắn bó mật thiết với Nhân dân, kết hợp giữa nói và làm, giữa nhận thức và hành động, khiêm tốn, giản dị gắn bó với quần chúng, gắn bó với Nhân dân, thương yêu đồng chí, thương yêu Nhân dân. Đây là những phong cách rất cần thiết ở một nhà lãnh đạo…

Tổng Bí thư ra đi là tổn thất cho Đảng, cho Nhà nước, cho dân tộc ta. Nhưng Đảng ta, dân tộc ta trước những biến cố như vậy đều bình tĩnh, có bản lĩnh tiếp tục củng cố sự đoàn kết, hoàn thành tốt công việc. Quy luật của tạo hóa không thể cưỡng lại, nói như cụ Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.

------

Ông NGUYỄN HỮU CHÂU, quận 3, TP.HCM:

Cán bộ phải giữ đạo đức mình như con ngươi trong mắt

Trong chỉ đạo, lãnh đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao giá trị đạo đức cách mạng của người cán bộ và chính bản thân ông là tấm gương sáng về điều đó. Tôi cho rằng những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, làm trái đều là những người đi ngược lại với giá trị đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

p3-nguyen-huu-chau.jpg

Kể từ khi làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất quyết liệt trong việc chỉ ra những cán bộ vi phạm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bác Hồ từng nói cán bộ phải giữ đạo đức của mình như con ngươi trong mắt. Tôi mong các thế hệ cán bộ cấp cao kế cận sẽ cống hiến vì dân, vì nước, đừng để sa ngã trước tiền tài danh vọng, hãy như tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một đời đeo đuổi mong muốn làm cho đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

-----

Cựu chiến binh DƯƠNG ĐÌNH TẤU, chiến sĩ đặc công Sài Gòn - Gia Định:

Gần gũi, bình dị nhưng tầm vóc lớn lao

Với một tấm lòng chân thành, một tâm niệm kính quý, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người anh cả của Đảng Cộng sản Việt Nam là mất mát quá lớn đối với chúng ta.

Tổng Bí thư đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn luôn tận tâm, đau đáu một lòng với trọng trách xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo an sinh, xã hội cho toàn dân.

nguyen-cung-dau.jpg

Trong điều hành, chỉ đạo, Tổng Bí thư đã đưa ra những quyết sách quan trọng, nhất là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng được thanh lọc và ngày càng vững mạnh. Sau khi được thanh lọc sẽ có nhiều nhân tố ưu tú xuất hiện, đó là những cây “măng tươi” chắc khỏe của Đảng, đồng hành với Nhân dân trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Đối với mỗi người dân, người đảng viên như chúng tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo vô cùng gần gũi, bình dị nhưng mang một tầm vóc lớn lao và cao cả.

NGỌC DIỆP - VIẾT THỊNH - LÊ THOA - HỒNG THẮM

Đọc thêm