Mới đây, Sở Tư pháp TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP (gọi tắt là Trung tâm) và Cục Thi hành án (THA) dân sự TP đã đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm một bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Không thể giao nhà
Ngọn nguồn của vụ việc bắt đầu từ hơn 12 năm trước. Theo đó, tháng 3-2006, để THA một bản án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, chấp hành viên Cục THA dân sự TP đã ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm nhằm bán đấu giá nhà, đất số 36 Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM (gọi tắt là nhà số 36).
Trung tâm đã tổ chức bán đấu giá nhà số 36 và ông HNT là người trúng đấu giá với giá 3.505 lượng vàng SJC. Ngày 16-5-2006, Trung tâm và ông T. ký hợp đồng mua bán tài sản (có công chứng). Theo hợp đồng, thời hạn giao tài sản cho ông T. là trong vòng 30 ngày (kể từ ngày nộp đủ tiền mua tài sản).
Ngày 23-5-2006, ông T. nộp đủ số vàng mua nhà trúng đấu giá tại Trung tâm. Sau đó, Cục THA dân sự TP có văn bản giải tỏa kê biên tài sản để giao nhà cho ông T. Cục cũng đã chi trả cho người được THA 3.273 lượng vàng SJC...
Tuy nhiên, sau đó quá trình cưỡng chế giao nhà số 36 cho ông T. đã bị một số cơ quan chức năng can thiệp để chờ kết quả giải quyết khiếu nại của phía người phải THA. Mặt khác, bản án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm và phải trải qua thêm hai phiên tòa phúc thẩm, một phiên họp giám đốc thẩm nữa nên việc giao nhà cho ông T. chưa thực hiện được.
Cuối năm 2012, sau khi bản án phúc thẩm lần ba có hiệu lực pháp luật, người trúng đấu giá là ông T. không đồng ý nhận nhà số 36 nữa mà khởi kiện ra TAND quận Tân Bình yêu cầu hủy hợp đồng mua bán tài sản ký với Trung tâm, đòi lại 3.505 lượng vàng và yêu cầu bồi thường thiệt hại...
Căn nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu. Ảnh: KP
Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm
Kết quả của vụ kiện trên là tháng 1-2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm (lần hai) nhận định việc không giao được tài sản theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán tài sản là do lỗi chủ quan của Trung tâm và Cục THA dân sự TP nên hai cơ quan này phải liên đới bồi thường thiệt hại cho ông T.
Từ đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy hợp đồng mua bán tài sản giữa ông T. và Trung tâm. Tòa buộc phía người được THA hoàn trả cho Cục THA dân sự TP hơn 118 tỉ đồng đã nhận (tương đương 3.273 lượng vàng SJC) để Cục THA dân sự TP giao trả lại cho Trung tâm để Trung tâm trả cho ông T.
Tòa cũng buộc Cục THA dân sự TP và Trung tâm phải liên đới bồi thường cho ông T. hơn 12 tỉ đồng (gồm gần 9 tỉ đồng tiền bồi thường thiệt hại và hơn 3 tỉ đồng tiền thiệt hại theo giá vàng đã bán, chi phí bán đấu giá, lệ phí công chứng...).
Trong các văn bản đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, Cục THA dân sự TP, Trung tâm và Sở Tư pháp TP đều cho rằng Cục THA dân sự TP và Trung tâm không có lỗi trong việc chậm giao nhà cho ông T.
Cạnh đó, việc TAND Cấp cao tại TP.HCM tính thời gian mà ông T. bị thiệt hại để bồi thường là không phù hợp. Tòa xác định ngày ông T. bắt đầu bị thiệt hại là ngày 24-6-2006 (sau 30 ngày kể từ ngày ông T. nộp đủ vàng) là không chính xác, không phù hợp với thực tế khách quan. Ngày xác định thiệt hại của ông T. phải là ngày 28-7-2006 (ngày Cục THA dân sự TP có quyết định giải quyết khiếu nại của ông T.).
Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục THA dân sự TP Vũ Quốc Doanh, việc TAND Cấp cao tại TP.HCM buộc cơ quan này phải chịu hơn 83 triệu đồng chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức THA là trái quy định của pháp luật về THA dân sự. Bởi theo Luật THA dân sự và Thông tư liên tịch số 184/2011 của Bộ Tư pháp-Bộ Tài chính thì các chi phí cưỡng chế như chi phí đo vẽ, chi phí thẩm định giá, chi phí bán đấu giá tài sản… sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo…
Nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm thi hành án Theo Sở Tư pháp TP.HCM, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến quá trình THA kéo dài là do Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa ra bản án phúc thẩm chưa phù hợp nên bị cấp giám đốc thẩm hủy. Cạnh đó, do quá trình xét xử kéo dài, các bản án liên tục bị kháng nghị hoặc bị hủy và thay thế bằng bản án khác nên quá trình THA liên tục bị gián đoạn. Từ năm 2006 đến nay đã có tám bản án liên quan đến nhà 36 Nguyễn Thị Diệu... Ngoài ra, tháng 3-2009, Bộ Tư pháp đã có kết luận thanh tra liên ngành về THA và bán đấu giá nhà số 36. Nội dung là cơ quan THA dân sự TP đã tổ chức THA theo quy định pháp luật, đúng đối tượng, việc cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, bán đấu giá nhà số 36 là có cơ sở, đúng quy định pháp luật… Việc bán đấu giá nhà số 36 của Trung tâm là đúng thẩm quyền, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản, đúng quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá như niêm yết bán đấu giá, thông báo công khai việc bán đấu giá; việc đăng ký và nộp tiền đặt trước; thời gian, phương thức và địa điểm… Không có cơ sở Bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM xác định Cục THA dân sự TP và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP có lỗi trong việc chậm giao tài sản cho ông HNT dẫn đến việc hai cơ quan này phải liên đới bồi thường thiệt hại cho ông T. là không có cơ sở, không đúng với các quy định của pháp luật về THA dân sự. Qua đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp và uy tín của cơ quan tôi. Ông VŨ QUỐC DOANH, Cục trưởng Ngoài trách nhiệm Trung tâm không có lỗi trong suốt quá trình bán đấu giá tài sản bởi chúng tôi thực hiện đúng tất cả quy định, trình tự thủ tục pháp luật về bán đấu giá tài sản và điều này được thanh tra liên ngành của Bộ Tư pháp kết luận. Việc chậm bàn giao tài sản là do khách quan và ngoài trách nhiệm của Trung tâm. Ông PHẠM VĂN SỸ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM |