Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ

Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ

Theo BS Tăng Quốc Chí, chuyên khoa Ngoại thần kinh, BV Tâm Trí Sài Gòn, nhận biết một người bị tai biến mạch máu não qua những dấu hiệuBỗng dưng phát âm không rõ, yếu một tay hoặc chân, mắt mờ một bên, miệng méo, mất cảm giác ở một bộ phận. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân nói, cười, nhấc tay hoặc chân lên, nhắm mắt, chu miệng... sẽ thấy rõ tình trạng yếu cơ hoặc méo miệng, mờ mắt. 

BS Chí khuyến cáo không được châm kim vào đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng hay cho nạn nhân uống nước sẽ dễ bị sặc, ngạt thở. Nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng hoặc ngửa với đầu cao 30 độ, nghiêng sang một bên, nới lỏng quần áo trong và ngoài. Giữ không khí thông thoáng, giải tán đám đông xung quanh. Đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

BS Chí từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ trong nhà vệ sinh ngã xuống dẫn đến chấn thương. Trường hợp này khi phát hiện người nhà không nên di chuyển nạn nhân mà cần giữ cho đầu họ nghiêng sang một bên rồi gọi 115 ngay. Trong quá trình đó, hãy nhờ nhân viên y tế tư vấn qua điện thoại cách sơ cấp cứu ban đầu để hạn chế thương tổn, biến chứng.

Theo GS-TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng, chống tai biến mạch máu não Việt Nam, đột quỵ não đứng đầu các nguyên nhân gây tàn tật, xếp thứ ba trong nhóm các bệnh gây tử vong nhiều nhất (chỉ sau ung thư và tim). Thống kê tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 225.000 người bị đột quỵ, trong đó tỉ lệ bệnh nhân được cứu sống là 6,08 trên 1.000 người, tử vong 1,31 trong 1.000 người. 

Xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, đặc biệt gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Nếu như trước đây bệnh ghi nhận nhiều ở nhóm người già 50-60 tuổi trở lên thì hiện nay số bệnh nhân tuổi 40 nhập viện vì bệnh này ngày càng gia tăng, trong đó nam nhiều hơn nữ. Ước tính trung bình cứ sáu người đang sống có ít nhất một trường hợp bị đột quỵ một lần trong đời.

 Ảnh minh họa: Health

GS Thành cho rằng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Trong đó có vấn đề di truyền, tuổi già, riêng ở nhóm người trẻ mắc bệnh được cho là liên quan đến lối sống, ăn uống không lành mạnh và lười vận động. Tai biến mạch máu não được ghi nhận gia đang tăng nhanh ở các nước đang phát triển, người dân phải làm việc căng thẳng trong khi chế độ ăn uống nhiều chất béo, thói quen hút thuốc, lạm dụng bia rượu, tình trạng thừa cân, béo phì do ít vận động ngày càng tăng. Các bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, huyết áp không ổn định, bị xơ vữa mạch máu cũng dễ dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ não (hay tai biến mạch máu não) xảy ra khi việc cung cấp máu lên não bị ngừng trệ đột ngột. Bệnh có hai loại: Nhồi máu não (do mạch máu bị tắc) và xuất huyết não (do vỡ mạch, máu tràn ra chèn ép các vùng xung quanh). Khi tai biến xảy ra ở vùng nào thì các tế bào thần kinh ở vùng đó có nguy cơ bị tổn thương, sau khi điều trị có thể để lại di chứng như yếu hoặc liệt nửa người, méo miệng, rối loạn tri giác, rối loạn phát âm, thậm chí chết não nếu hôn mê kéo dài do không được điều trị kịp thời. 

Có nhiều cách điều trị đột quỵ, tùy vào nguyên nhân bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp phù hợp. Trường hợp xuất huyết não nhẹ có thể điều trị bằng can thiệp nội mạch. Nếu xuất huyết não nhiều phải mổ não để hút bớt máu. Bệnh nhân nhồi máu não có thể điều trị bằng X-quang can thiệp mạch. Đầu tiên bác sĩ loại bỏ cục máu đông hoặc mảng xơ vữa, sau đó luồn vào lòng mạch một giá đỡ (stent) để nong mạch giúp máu lưu thông trở lại. Bên cạnh đó có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết qua đường động mạch để lấy huyết khối. Một phương pháp hiện đại nhưng rất tốn kém là dùng dụng cụ cơ học Solitaire stent, vừa giúp giải phóng huyết khối vừa nâng đỡ thành động mạch.

GS Thành lưu ý khoảng thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ từ ba đến bốn tiếng rưỡi. Đó là thời lượng não có thể cầm cự chịu đựng được tổn thương, càng xa quãng thời gian này vùng thương tổn càng tỏa rộng. Ước tính cứ một phút trôi qua sẽ có hai triệu tế bào thần kinh bị hủy hoại. Công tác cấp cứu đột quỵ rất đặc thù, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa khác nhau. Việc can thiệp kịp thời, đúng cách mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong và tàn tật, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí. Sau điều trị, bệnh nhân cần kiên trì tập vật lý trị liệu, uống thuốc và vận động theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp cải thiện di chứng và sớm trở về với cuộc sống bình thường.

Hiện nay cả nước đã thành lập được 25 đơn vị chuyên cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện ở TP lớn. Tuy nhiên ở các bệnh viện địa phương, nhất là tuyến quận, huyện chưa được bố trí lực lượng này. GS Thành cho biết Hội Phòng, chống tai biến mạch máu não đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế để đề xuất triển khai rộng rãi mô hình trung tâm đột quỵ ở các bệnh viện cấp tỉnh và trung ương, các đội đột quỵ ở cấp quận, huyện. Trong bối cảnh số bệnh nhân tai biến mạch máu não ngày càng tăng, GS Thành kỳ vọng nếu việc triển khai các mô hình cấp cứu đột quỵ từ cấp địa phương đến trung ương sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Đề xuất này đang được Bộ xem xét.

Để phòng bệnh, GS Thành khuyên mọi người nên có chế độ ăn uống và vận động lành mạnh. Không ăn nhiều chất béo, cai thuốc lá, không lạm dụng bia rượu, vận động phù hợp, ngủ đủ, tránh để bị béo phì. Riêng đối với bệnh nhân cao huyết áp phải theo dõi và tuân thủ điều trị, tránh làm việc gắng sức, tránh căng thẳng hoặc xúc động quá. Bệnh nhân tiểu đường nên tuân thủ điều trị liên tục, chú ý vấn đề xơ vữa mạch máu. Người bị xơ vữa mạch máu cần được điều trị giảm rối loạn mỡ máu. 

Đặc biệt những người từng bị tai biến mạch máu não có thể tái phát trong vòng sáu tháng đến ba năm, do đó cần đi khám định kỳ để tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Trong trường hợp này thầy thuốc có thể tư vấn cho dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu để tránh hình thành cục máu đông trong lòng động mạch.

Theo VNExpress.net

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới