Đầu năm 2024, xuất khẩu tăng đột biến

(PLO)- Tiếp nối thành công của năm cũ, đầu năm, tháng 1- 2024 ngành gạo, trái cây xuất khẩu bứt phá góp phần thúc đẩy cán cân thương mại xuất siêu đạt 5,1 tỉ USD.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày đầu năm mới các ngành hàng như gạo, trái cây đã nhộn nhịp sản xuất cung ứng ra thị trường. Bên cạnh một số doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm do tồn kho vẫn còn, chưa có nhiều đơn hàng nên sau rằm tháng Giêng mới hoạt động trở lại.

Tin vui đầu năm của trái cây, gạo

Chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, mới đây Công ty Hoàng Phát Fruit (Long An) ký kết thu mua 13 tấn xoài hạt lép của bà con tỉnh An Giang xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Theo lãnh đạo Công ty Hoàng Phát Fruit, hiện nay xoài của Việt Nam (VN) đang có “tiếng nói” trên thị trường Hàn Quốc nhờ chất lượng cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất… được nâng cao. Tiềm năng trái cây VN nói chung và xoài nói riêng tăng trưởng tốt.

Trong ba, bốn tháng tới khi Hàn Quốc, Nhật Bản kết thúc mùa đông, nhu cầu tiêu thụ trái cây tăng, dự báo trái cây VN xuất khẩu sang các thị trường này tiếp tục tăng.

xuất khẩu
Những ngày đầu năm mới các ngành hàng như gạo, trái cây đã nhộn nhịp sản xuất cung ứng ra thị trường. Ảnh: TÚ UYÊN

“Năm 2023, xuất khẩu thanh long tăng 27% so với năm trước. Đầu năm mới 2024, công ty bắt tay vào sản xuất bù cho những ngày nghỉ Tết. Mỗi ngày công ty xuất bán ba container thanh long, trung bình 1-2 container xoài” - đại diện công ty phấn khởi chia sẻ.

Ở ngành gạo, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho biết nhờ nỗ lực xây dựng thương hiệu nhiều năm qua nên đơn hàng từ các thị trường chủ lực như châu Âu, Hong Kong vẫn về đều đặn.

Thời gian tới, cầu của thế giới tiếp tục bị tác động bởi suy thoái, nhiều quốc gia thuộc thị trường xuất khẩu chủ lực của VN như châu Âu đang chững lại. Thị trường Mỹ có tín hiệu tích cực nhưng sự tăng trưởng của quốc gia này được dẫn dắt bởi lĩnh vực công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo.

Để vực dậy nền kinh tế, chính sách quốc gia cần tập trung khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao góp phần tăng xuất khẩu của VN.

Đẩy nhanh chuyển đổi các khu công nghiệp để đón dịch chuyển dòng vốn đầu tư công nghệ cao vi mạch, bán dẫn sẽ kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ khác phát triển, đặc biệt cần kích cầu nội địa và cứu cánh lớn nhất là đầu tư công. Đây là những trụ cột sẽ vực dậy nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Theo đó, mỗi tháng công ty xuất khẩu hai container gạo sang các thị trường này. Riêng Mỹ mới tiếp cận được hơn một năm nên còn nhiều dư địa để khai thác mở rộng ở thị trường này.

“Qua khảo sát thấy nhu cầu gạo của Mỹ mỗi năm tăng hơn 1.000 tấn. Năm nay dự kiến xuất khẩu tăng gấp hai, ba lần so với năm trước” - ông Tâm chia sẻ.

Năm 2024 còn đó những nỗi lo

Bên cạnh những thị trường chủ lực, ông Tâm cho biết công ty vẫn tìm kiếm thị truờng mới “nhưng mở rộng xuất khẩu không dễ”. Nhắm tới thị trường Trung Quốc, đã có các cuộc tiếp xúc từ năm ngoái và hiện công ty này đang chờ đối tác phản hồi.

Dù khá thuận lợi khi xây dựng thương hiệu gạo ở thị trường nước ngoài nhưng hiện DN phải đối mặt với thách thức của tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ. “Trước khi xảy ra xung đột, một container hàng đi châu Âu giá 45 triệu đồng thì giờ lên 110 triệu đồng. Giá cước tăng đẩy giá gạo tại thị trường sở tại tăng theo cũng khiến đối tác đắn đo” - ông Tâm nói.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, cho biết công ty có đơn hàng để sản xuất đến tháng 3. Đơn hàng chủ yếu từ thị trường Mỹ là chính và ở phân khúc hàng thời trang phổ biến, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc. Thị trường châu Âu giảm nhiều nhất, tiếp đến là Nhật Bản.

“Trong khi thời điểm này những năm trước DN thường nhận đơn hàng đến tháng 6 nhưng năm nay chỉ đủ sản xuất đến tháng 4, cho thấy khó khăn chung vẫn tiếp tục tác động lên ngành dệt may” - ông Việt nói.

w-P11-tieudiem.jpg
Để vực dậy nền kinh tế, chính sách quốc gia cần tập trung khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao góp phần tăng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Hiện chỉ có nhà máy ở TP Thủ Đức hoạt động 100% công suất, các nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai vẫn chưa đạt.

Cùng trong tình cảnh, Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN (Viforest) nhận định: “Nhìn chung thời điểm này thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng chậm và còn nhiều khó khăn”.

Theo Viforest, ước tính xuất khẩu gỗ đạt 889 triệu USD, tăng 80,8%, tăng mạnh so với cùng kỳ. Một phần do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 khiến hoạt động xuất khẩu gỗ chậm qua năm mới.

Nông nghiệp trụ đỡ của nền kinh tế

Nhận định về “điểm sáng” trong hoạt động kinh doanh đầu năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết một số ngành xuất khẩu truyền thống dệt may, da giày, gỗ có nhiều đơn hàng ngắn hạn. Ngoài ra, chúng ta có những lợi thế.

Ví dụ, cà phê VN chưa bao giờ có giá tốt như hiện nay, VN cũng đang là ngôi vương thế giới về xuất khẩu gạo. Đặc biệt, đối với sầu riêng, nối tiếp thành công của năm 2023, cần tiếp tục đầu tư quy hoạch vùng trồng, xây dựng thương hiệu để tiếp tục khẳng định chất lượng.

Đây là những tiền đề tốt cho sự khởi sắc nhưng chưa thể yên tâm.

“Tốt hơn là phải đẩy nhanh việc hình thành các sàn giao dịch, qua đó giảm các tầng nấc trung gian cho hàng hóa, thúc đẩy khâu sản xuất, phân phối đảm bảo chất lượng, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ” - ông Hòa nói.

Nhấn mạnh thêm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM (FFA), khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ phát triển nền kinh tế. Do đó, DN xuất khẩu gạo, rau quả, các DN chế biến sâu sẽ có nhiều thuận lợi.

“Năm 2023, rau củ quả xuất khẩu tăng đột biến là tiền đề cho tăng trưởng, điển hình một số nhóm hàng đang được đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hy vọng sản lượng gạo xuất khẩu năm 2024 sẽ tăng 10%” - bà Chi nói.

Bảy ngày Tết xuất khẩu đạt 1,41 tỉ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong bảy ngày Tết (từ ngày 8 đến 14-2) có hơn 1.000 DN VN tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 1,41 tỉ USD.

Những mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại các loại và linh kiện có trị giá xuất khẩu lớn nhất với 282,8 triệu USD. Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 263,6 triệu USD.

Trong dịp Tết hàng hóa của VN xuất khẩu sang 77 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó thị trường Mỹ chiếm nhiều nhất với 220,7 triệu USD. Tiếp đến là Trung Quốc với 186,9 triệu USD, Hàn Quốc với 71,2 triệu USD.

Tính từ ngày 1-1 đến 14-2, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của VN đạt 82,56 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân thương mại xuất siêu hơn 5,1 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm