Đầu này kẹt, đầu kia… mệt!

Điều rõ ràng là ai dễ mất ngủ người đó mau là ứng viên nhiều triển vọng của “hội chứng mệt mỏi kinh niên” và sớm tham gia chương trình “đồng hành cùng thầy thuốc”!

Nhăn nhó dễ gì ngủ yên!

Đúng là mất ngủ có liên quan đến thần kinh nhưng không hẳn lúc nào cũng chính xác. Quan niệm đó thậm chí có khi gây lãng phí công sức điều trị cho cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Theo kết quả nghiên cứu gần đây ở Mỹ, một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng trên chất lượng của giấc ngủ là hiệu quả bài tiết của khung ruột. Chức năng này càng đáng tiền để hiện tượng lên men trong lòng ruột không chiếm ưu thế thì hệ miễn nhiễm, hoạt động của thực bào và bạch cầu càng bén nhọn. Cao điểm hoạt động của khung ruột lại là khoảng thời gian trước khi đi ngủ. Điểm đáng nói là lực lượng thực bào càng đông, càng mạnh thì hệ thần kinh trung ương càng phóng thích nhiều serotonin - hoạt chất xúc tác tín hiệu điều khiển giấc ngủ khiến gia chủ vừa đặt lưng là thẳng giấc, cứ như cơ thể sau khi kiểm soát lực lượng phòng vệ xong xuôi mới yên tâm tắt đèn đi ngủ. Bằng chứng là nhóm hoạt chất cytokin, chất có công năng dẫn truyền tín hiệu an thần, có hàm lượng cực đại trong máu khi chức năng của khung ruột hoạt động tối ưu.


Mất ngủ nhiều khi khởi nguồn từ lượng mỡ trong máu tăng cao.

Thương ruột như thể thương thân

Tình trạng mất ngủ do rối loạn quân bình vi sinh trong lòng ruột là điều hoàn toàn thuận lý vì hệ miễn nhiễm vốn đã tất bật suốt ngày vì độc chất trong môi trường ô nhiễm, vì stress, vì vi khuẩn, siêu vi, nấm mốc... sớm muộn cũng phải kiệt sức nếu phải làm thêm ngoài giờ suốt đêm để đối phó với lượng độc chất tích lũy càng lúc càng nhiều trong khung ruột. Từ ghi nhận đó, nhiều nhà nghiên cứu về “hội chứng mệt mỏi kinh niên” đã không ngần ngại khuyên người muốn đừng mau hết pin nên áp dụng một số phương pháp để biến khung ruột thành cơ sở hạ tầng chống bệnh, như:

- Điều trị táo bón đến nơi đến chốn thay vì chữa lửa bằng thuốc tẩy xổ để rồi tự làm hư niêm mạc đường ruột.

- Thỉnh thoảng áp dụng hình thức nhịn ăn để giải độc cho cơ thể, nếu được vài ngày càng khéo, nếu được một ngày trong tuần cũng quá hay.

- Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần thường ngày với rau quả tươi, càng đa dạng càng tốt, nếu được năm lần trong ngày với chút trái cây, trái nào cũng được, càng ăn chắc.

- Thực hiện nhật ký “thực đơn” mỗi lần dị ứng hay rối loạn tiêu hóa để tránh các món khó tiêu trong bữa ăn chiều.

- Đừng mạo hiểm với các món vừa độc vừa lạ vì mỗi lần như thế thì hệ miễn nhiễm lại phải rồ ga.

- Đừng để bụng đói meo khi lên giường vì vi khuẩn loại có hại phóng thích nhiều loại hơi độc có hại, thậm chí nhiều hơn, độc hơn khi không có thực phẩm trong lòng ruột.

Làm sao có ăn mà không chịu?

Tránh được táo bón không chỉ để chống mệt mỏi. Xơ vữa mạch máu không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp gây ra các căn bệnh thuộc nhóm “bệnh thời đại”: Từ cao huyết áp bước qua tiểu đường, cườm mắt… cho đến trầm cảm, tình trạng thiếu dưỡng khí nội bào vì tim không mang đủ dưỡng chất và dưỡng khí đến mọi ngõ ngách của cơ thể. Thành mạch chai cứng, lòng mạch thu hẹp và vì chất mỡ dán chặt vào mặt trong mạch máu là đòn bẩy dẫn đến đủ loại hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, thoái hóa võng mạc, hoại tử mô mềm... Đừng quên là vùng trung tâm của ung bướu ác tính bao giờ cũng có hiện tượng thiếu dưỡng khí! Tình trạng này tất nhiên càng dễ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa của cơ thể như đầu chi, vùng chậu, ở các mạch máu nhỏ li ti trên não, trên thành tim, trên đáy mắt…

Do đó nếu có cách nào khiến một phần đáng kể của chất béo trong thực phẩm thay vì thẩm thấu quá nhiều, quá nhanh qua màng ruột, được giữ lại trong lòng ruột rồi sau đó ung dung theo đường bài tiết trở về với ngoại cảnh thì gia chủ vẫn có thể yên tâm thưởng thức món ngon mà không sợ lượng mỡ trong máu bội tăng đến độ ngoài vòng kiểm soát. Đáng tiếc cho nhiều người đã, đang và sắp trở thành nạn nhân oan uổng của tình trạng tăng mỡ trong máu vì chưa được thông tin về tác dụng tương tranh của các nhóm hoạt chất sinh học có tác dụng:

- Tương tranh để bít kín lối vào của chất béo, như 3-Omega trong cá ba sa, cá thu…

- Hoặc nhờ tác dụng cơ học kéo mỡ xuống ruột như chất xơ trong rau quả…

Cả hai nhóm hoạt chất này đều có tác dụng nhuận trường. Người biết cách mượn sức của thiên nhiên nhờ đó ăn ngon, ngủ yên.

Tránh mất ngủ rõ ràng là một trong các biện pháp tối quan trọng để phòng, chống mệt mỏi kinh niên. Nhưng đừng tưởng vì thế mà phải tập trung tất cả vào hệ thần kinh. Lắm khi phòng được nhiều bệnh nhờ hiểu cách chữa Bắc khi đau Nam. Chính vì vậy mới có chuyện “phước chủ may thầy”. Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, thầy nào làm thuốc cũng như nhau.

Mệt nhoài thì ruột cũng mỏi!

Nếu vì lý do nào đó mà hệ miễn nhiễm không vận hành như mong muốn thì trung khu điều khiển giấc ngủ cũng bị rối loạn lây. “Hội chứng mệt mỏi kinh niên” khi đó chẳng khác người cạn túi bỗng nhận được giấy mời ăn... buffet! Không lạ gì nếu đa số nạn nhân của “hội chứng mệt mỏi kinh niên” là người có vấn đề với chức năng tiêu hóa và biến dưỡng của khung ruột, như người bị viêm đại trường mãn tính, nạn nhân của phản ứng phụ do lạm dụng thuốc kháng sinh, hay thường gặp hơn nữa, ở đối tượng bị nhiễm nấm trên đường ruột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm