Đầu tư chất lượng bánh chưng, mứt... để xuất khẩu

Đáp ứng nhu cầu của kiều bào dịp tết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến bánh chưng, củ kiệu, mứt… đã đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý nhằm vượt ải kiểm tra gắt gao về chất lượng, an toàn thực phẩm của các nước.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến tết Nguyên đán Quý Tỵ, bà Helen Trần, một Việt kiều Mỹ, đã lặn lội bay về Việt Nam để đặt hàng tết như kẹo mứt, bánh chưng, mắm nêm, củ kiệu… Helen Trần và gia đình định cư ở Mỹ gần 20 năm, là tiểu thương chuyên nhập các mặt hàng thực phẩm từ Việt Nam sang bán cho cộng đồng người Việt ở bang California. Vào dịp tết, nhu cầu về mặt hàng truyền thống tăng mạnh nên bà phải đích thân về quê nhà đặt hàng, kiểm tại gốc để có hàng chất lượng và đa dạng hơn.

Sản lượng tăng gấp đôi

Nắm bắt được nhu cầu của người Việt xa quê, ngay từ cuối tháng 11-2012, cơ sở mứt tết Trí Đức (TP.HCM) đã xuất sang Mỹ nhiều kiện hàng đủ loại mứt bí, cà rốt, gừng, sen… Bà chủ Nguyễn Thị Tâm Ái cho biết tết năm nay cơ sở của bà sản xuất khoảng 5-6 tấn mứt, chủ yếu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản xuất khẩu ở Việt Nam và một số khách hàng người Việt ở Mỹ, Đài Loan… “Năm nay nhuận, tết đến trễ hơn mọi năm nên chúng tôi có thêm thời gian chuẩn bị hàng” - bà cho hay.

Đầu tư chất lượng bánh chưng, mứt... để xuất khẩu ảnh 1

Công nhân gói bánh chưng xuất khẩu ở cơ sở bánh chưng Trần Gia (Đồng Nai). Ảnh: QUANG HUY

Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (Đồng Nai), cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị nguyên liệu và đang tuyển công nhân gói bánh. “Năm nay dự kiến cung cấp cho thị trường tết trong nước khoảng 170 tấn bánh, tăng 30% so với tết năm ngoái. Lượng bánh xuất khẩu tăng gần gấp đôi năm 2011 với hơn 40 tấn, trong đó 16 tấn xuất sang Đài Loan, Singapore, Philippines; 24 tấn sang Mỹ, Canada, Pháp và một số nước châu Âu khác. Ngoài bánh thành phẩm, Trần Gia còn xuất khẩu cả nguyên liệu làm bánh như lá dong, đậu xanh, nếp… Cách đây vài ngày, cơ sở đã xuất thêm năm tấn lá dong sang Mỹ” - ông Toàn chia sẻ.

Nhiều cơ sở, DN làm hàng tết xuất khẩu khác cũng nói sản lượng xuất khẩu tăng 30%-50% do nhu cầu của kiều bào ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, theo ông Quách Hưng Tòng, Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Hải Minh (TP.HCM), các mặt hàng đặc sản khác như bánh tráng, củ kiệu, mắm nêm… cũng gia tăng đơn đặt hàng xuất sang Úc, New Zealand, đặc biệt là bang California (Mỹ).

Không chỉ thực phẩm cổ truyền, cộng đồng người Việt xa quê còn có nhu cầu thưởng thức cây cảnh trong ba ngày tết. Ông Bùi Văn Sang, chủ nhân thung lũng hoa đào Mười Lời (Đà Lạt), đã chuẩn bị khoảng 1.000 gốc đào, tương đương số lượng tết năm ngoái. Đơn đặt hàng chủ yếu từ người Việt ở Mỹ, Canada; họ mua cành đào đóng thùng hoặc để trong valy theo dạng hành lý xách tay làm quà biếu. Giá cả không tăng so với năm 2011, dao động từ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng/cành và khoảng 2-10 triệu đồng/gốc đào.

Chú trọng đầu tư chất lượng

Nhiều DN, chủ cơ sở chế biến cho biết xuất khẩu hàng tết phải qua nhiều khâu kiểm tra gắt gao về chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu, tương tự như các mặt hàng xuất khẩu khác. Vì vậy, từ cơ sở nhỏ đến DN lớn đều chú trọng đầu tư cho chất lượng sản phẩm để việc xuất khẩu được dễ dàng.

Chẳng hạn, cơ sở mứt tết Trí Đức đã đầu tư công nghệ, dây chuyền chế biến, hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ISO, HACCP. Bà chủ Nguyễn Thị Tâm Ái bộc bạch: “Cơ sở chỉ sản xuất theo mùa vụ, dồn sức cho tết nhưng vẫn sản xuất đúng các tiêu chuẩn kiểm định để giữ uy tín lâu dài”.

Đại diện Công ty TNHH Long Uyên (Tiền Giang) cho hay DN mới xuất trên bảy tấn hàng truyền thống của Việt Nam được đóng hộp hoặc đông lạnh sang Hàn Quốc, Úc, Malaysia, Singapore như ớt, gừng, khoai, rau củ, trái cây các loại và sản xuất cả bánh bò, bánh da lợn, bánh ít... DN đã đầu tư trên 3 tỉ đồng nhập thiết bị, máy móc của Đức về để chế biến, bảo quản sản phẩm đạt chuẩn.

Còn ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia, cho hay bánh chưng trước hết cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước, hút chân không, đông lạnh. Đạt được tiêu chuẩn trong nước rồi thì việc đạt chuẩn quốc tế để xuất khẩu dễ dàng hơn, thậm chí nước nhập khẩu còn ưu ái hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN xuất hàng tết vì đó là sản phẩm cổ truyền, nét văn hóa của mỗi dân tộc sống tại đất nước họ.

“Hàng tết chắc chắn phải sản xuất đạt chuẩn mới xuất đi được. Vì vậy hàng đến tay kiều bào ở nước ngoài luôn đảm bảo chất lượng” - ông Toàn nhấn mạnh.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm