Vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thay thế cho Nghị quyết (NQ) 53 (năm 2005), NQ 24 của Bộ Chính trị được ban hành vừa qua đặt ra những vấn đề cần chung tay giải quyết nhằm phát huy tối đa tiềm năng của vùng đất này.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, xung quanh NQ này.
Phát huy lợi thế, tránh chồng chéo
. Phóng viên:Theo ông, để thực hiện được NQ 24 về việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đâu là những vướng mắc cần giải quyết để thực hiện đúng tinh thần của NQnày?
TS Trần Du Lịch. |
+ TS Trần Du Lịch: Tôi rất hoan nghênh NQ 24 về việc phát triển vùng Đông Nam bộ với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. NQ 24 mở ra không gian phát triển khá rõ nét, mở ra triển vọng lâu dài của một địa bàn có vị trí chiến lược, nhiều lợi thế về địa kinh tế để trở thành động lực phát triển của cả nước.
Trước đây, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm Đông Nam bộ và Long An, Tiền Giang nhưng NQ 24 chỉ tập trung cho vùng Đông Nam bộ.
NQ 24 trước hết định hướng lập quy hoạch vùng, phân vai rất rõ việc bố trí lực lượng sản xuất ngành nghề trên các địa phương của cả vùng. Tại đây sẽ hình thành hành lang công nghiệp phát triển với nhóm cảng biển số 4 của quốc gia gồm năm cảng biển: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Long An. Đây là cửa ngõ quốc tế quan trọng hàng đầu của cả nước.
NQ 24 cũng đã xác định đây là vùng động lực nhưng thời gian qua chưa phát triển tương xứng. Có hai điểm nghẽn lớn là hạ tầng giao thông và thể chế vượt trội, đặc biệt là thể chế liên kết cả vùng, để tạo động lực phát triển.
Với vai trò hạt nhân, TP.HCM cần phát huy tối đa sức lan tỏa, làm động lực phát triển của cả vùng Đông Nam bộ. Ảnh: HOÀNG GIANG |
NQ 24 chỉ ra phương hướng nhưng cũng chỉ ra những tồn tại và đề xuất, yêu cầu những hướng xử lý tương đối rõ nét. Vấn đề còn lại là triển khai thế nào với vai trò cụ thể của từng địa phương trong vùng, vai trò trong liên kết giữa địa phương và các bộ, ngành. Cùng với đó, chính sách của trung ương đối với cả khu vực Đông Nam bộ cũng đóng vai trò then chốt.
32%
GDP của cả nước là mức đóng góp của vùng Đông Nam bộ hiện nay. Khu vực này còn đóng góp 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Tỉ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67%.
Vùng Đông Nam bộ có một TP trực thuộc trung ương là TP.HCM và năm tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
Để giải quyết những điểm nghẽn đối với việc kết nối cả vùng, cần đẩy mạnh đầu tư cho giao thông. Trước hết, cần nhanh chóng triển khai các đường vành đai 3, vành đai 4, các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hệ thống đường sắt và nhiều hạ tầng giao thông khác kết nối cả vùng. Nếu giải quyết được điểm nghẽn này thì liên kết trên mọi lĩnh vực: Phát triển kinh tế, giải quyết cung cầu trong thị trường lao động, giải quyết vấn đề môi trường...
Mặt khác, cần xây dựng một số chính sách trọng tâm phù hợp với vùng để tạo động lực, đẩy mạnh huy động nguồn lực, huy động đầu tư.
. Việc phát triển Đông Nam bộ cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong vùng nhằm phát huy nội lực, thế mạnh của từng địa phương, bù đắp, tương hỗ cho nhau. Theo quan sát của ông, cần cải thiện nhữnggì để có thể đạt được kỳ vọng đó?
+ Vấn đề cấp thiết hiện nay là quy hoạch. Các địa phương đều lập quy hoạch riêng. Nếu thiếu phối hợp trong việc lập quy hoạch thì sẽ dẫn tới thực trạng chuyện đã rồi, không phát huy được hết thế mạnh của các địa phương cũng như cả vùng. Trong quy hoạch, cần xử lý đồng bộ việc phát huy lợi thế, không cạnh tranh, chồng chéo lên nhau.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phối hợp. Chẳng hạn, giao TP.HCM làm đầu mối để phối hợp xây dựng các đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...
Hội đồng cố định, không luân phiên
. Để đạt được những mục tiêu chung về việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, các tỉnh, thành cần có sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt. Theo ông, có nên thành lập một tổ chức như hội đồng vùng để thực hiện những quyết sách lớn cho cả vùng cùng phát triển hay không?
+ Có lẽ cần xây dựng mô hình hội đồng vùng Đông Nam bộ với cơ chế hiệu quả hơn. Không nên theo cơ chế luân phiên kiểu cũ: Mỗi tỉnh, thành làm đầu mối, làm chủ tịch hội đồng vùng từng năm, khó đem lại hiệu quả như mong muốn. TP.HCM vẫn cần đóng vai trò đầu mối phối hợp trong một hội đồng vùng cố định.
. Theo ông, hội đồng vùng cần có thành phần ra sao? Cơ chế vận hành hội đồng vùng như thế nào để có thể thúc đẩy sự phát triển chung của cả vùng?
+ Thứ nhất, chủ tịch hội đồng vùng, đầu mối nên là TP.HCM. Thứ hai, để hoạt động hiệu quả, hội đồng vùng cần đóng góp xây dựng chính sách của trung ương. Những chính sách của trung ương đối với vùng cần có tham vấn ý kiến của hội đồng vùng. Những đầu tư về hạ tầng hay xử lý vấn đề môi trường rất cần tiếng nói của hội đồng vùng. Hội đồng vùng cũng cần một cơ quan tham mưu, giúp việc tập hợp đội ngũ chuyên gia chất lượng cùng tham gia. Đồng thời xây dựng trung tâm thông tin chung để kết nối vùng, xử lý chính sách. Phải có người chuẩn bị mới có người quyết định.
Với cơ chế Đảng lãnh đạo, đây cần là một tổ chức tập hợp bí thư các tỉnh, thành với sự hỗ trợ của các bộ, ngành.
. Xin cám ơn ông.
TP.HCM chủ động giải quyết vấn đề quan trọng của cả vùng
. Phóng viên: TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đây cũng chính là hạt nhân để phát triển vùng Đông Nam bộ. Làm sao để hạt nhân này phát huy tối đa sức lan tỏa nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, đồng thời nhận được sựhỗtrợtừcácđịa phương khác?
+ TS Trần Du Lịch: TP.HCM không chỉ là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ về kinh tế mà còn là hạt nhân của vùng đô thị TP.HCM. TP cần có thêm cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực mạnh hơn để huy động nguồn lực.
Với vai trò đầu tàu, TP cần chủ động hơn trong việc giải quyết các mối liên kết. Ở đây có bốn liên kết quan trọng: Thứ nhất, trong sản xuất, kinh doanh, bố trí lực lượng sản xuất trên địa bàn các địa phương. Thứ hai, liên kết phát triển hệ thống giao thông của cả vùng. Thứ ba, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chung mà TP.HCM nắm lợi thế có ĐH Quốc gia và lực lượng khoa học - kỹ thuật rất mạnh. Thứ tư, liên kết xử lý các vấn đề môi trường chung của lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tôi nghĩ TP.HCM cũng cần chủ động xây dựng một cơ quan tư vấn, tham mưu, nghiên cứu cho hội đồng vùng. Đó chính là vai trò đầu tàu dẫn dắt.
Một số cơ chế, chính sách áp dụng cho TP.HCM phù hợp thì nên nới rộng cho toàn vùng, như vấn đề huy động nguồn lực; cơ chế đầu tư; quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, môi trường... bởi vì Đông Nam bộ là khu vực đóng góp rất lớn về ngân sách cho đất nước.