Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn

(PLO)-  Tình trạng thiếu hụt xăng dầu tạo ra tâm lý không yên tâm, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân cũng như hoạt động kinh tế- xã hội của TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-11, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế- xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp hai tháng cuối năm 2022.

TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

Dưới góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch đánh giá TP đã lấy lại được điều kiện bình thường của đời sống kinh tế. Các doanh nghiệp tại TP đã có sự vươn lên mạnh mẽ để giúp kinh tế TP ổn định hơn.

Dù vậy, TS Lịch cho rằng đây là thời điểm cả nước cũng như TP phải đương đầu nhiều vấn đề lớn.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn ảnh 1

TS Trần Du Lịch góp ý về các giải pháp phát triển kinh tế cho TP.HCM trong hai tháng cuối năm. Ảnh: TTBC

TS Lịch nói, từ quý IV-2022 đến năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu rất khó khăn, xu hướng suy thoái, lạm phát thấy rõ. Cạnh đó, tiền tệ chung các nền kinh tế cộng với việc gãy đổ chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của TP.

Cũng theo ông, Chính phủ đang tiến hành các biện pháp để thiết lập lại kỷ cương trên lĩnh vực tài chính, bất động. Đó là việc cần cho giai đoạn phát triển dài hạn, còn trong ngắn hạn sẽ có tác động đến tâm lý thị trường, tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư.

“Tôi dự báo, nếu dòng vốn của nền kinh tế chững lại thì sẽ ảnh hưởng không chỉ năm 2023 mà cả 2024. Độ nhạy của TP hơn cả nước rất nhiều về mặt tích cực và tiêu cực”- TS Lịch nói.

Với chủ đề năm 2023, TS Lịch cho rằng cần chọn vấn đề trọng tâm hơn để thực hiện. Theo ông, cần tập trung thực thi có hiệu quả nhất chính sách tài chính tiền tệ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ nhanh các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm hạ tầng đô thị trên địa bàn.

Cùng đó, TP cần tạo bước chuyển biến mạnh mang tính đột phá về chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức gắn với khai phá tiềm lực khoa học công nghệ.

Với tình hình hiện nay, TS Lịch nêu ý kiến cần tiếp tục triển khai các nội dung của chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua cơ chế rà lại tất cả quy định về miễn giảm thuế, lệ phí hỗ trợ lãi suất cho vay…

TP cần chủ động phối hợp với ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính xử lý các vấn đề phát sinh trên thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu để bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng thương mại trên thị trường TP.

Cũng theo TS Lịch, TP cần tập trung rà soát các điểm nghẽn của thị trường bất động sản, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp quy mô lớn để triển khai nhanh các dự án tăng cung cho thị trường.

Trong khi chờ đợi có một cơ chế hoàn thiện về phân cấp, phân quyền cho TP thì trong phạm vi, thẩm quyền của mình, cái gì có thể làm được thì TP cần chủ động rà soát lại để thực hiện.

Ông mong rằng, trong năm 2023, TP sẽ làm rõ nét hơn về trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp liên quan đến thủ tục hành chính, hoạt động công vụ.

Theo TS Lịch, TP vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong điều kiện, khả năng của mình, TP cần chủ động để giải quyết vấn đề, từ đó thúc đẩy sự phát triển chứ không phải chờ.

Cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn

Đánh giá chung về tình hình kinh tế TP trong 10 tháng qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận kinh tế- xã hội TP có nhiều điểm nổi bật. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, kinh tế TP trong 10 tháng qua xuất hiện một số mặt bất lợi.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn ảnh 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực nội địa. Ảnh: TTBC

Ông Mãi yêu cầu các cơ quan đơn vị theo dõi, đánh giá đúng để đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế mức thấp nhất tác động của những mặt bất lợi này.

Ông dẫn chứng tình trạng thiếu hụt xăng dầu cũng tạo ra tâm lý không yên tâm, thiếu tin tưởng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân cũng như hoạt động kinh tế- xã hội TP. Cùng đó, xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí lãi suất cao... của thế giới cũng ảnh hưởng đến TP.

Về giải pháp phát triển kinh tế, ông Mãi cho rằng năm 2023, TP cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực nội địa.

Từng sở, ngành, quận, huyện rà soát kế hoạch năm, chỉ tiêu nhiệm vụ năm để hoàn tất, chuẩn bị cho tổng kết năm. Đồng thời, chuẩn bị việc xây dựng kế hoạch năm 2023 trên tinh thần đánh giá đúng diễn biến đang diễn ra, những khó khăn, tác động để xác định chủ đề trọng tâm và các giải pháp.

TP.HCM có quy chế quản lý các sự kiện đông người

Tại phiên họp, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết đã giao Sở VH-TT phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý các sự kiện đông người. Trong tháng 11 này, sở phải hoàn thiện để chuẩn bị các hoạt động vui chơi dịp cuối năm.

Đây là giải pháp được đưa ra trước thực tế có nhiều vụ việc xảy ra ở các nước gây thiệt hại nặng nề về người như thảm họa giẫm đạp tại Itaewon (Hàn Quốc), sập cầu treo tại Ấn Độ….

Ông Mãi cũng yêu cầu các ngành, cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị an toàn xã hội, đặc biệt là công tác PCCC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm