Phát biểu tại tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM” 2020 do UBND TP tổ chức ngày 5-5 tại TP.HCM, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng: Nếu TP bổ sung thêm nguồn lực vào gói an sinh xã hội thì đây sẽ là cách để kích thích tổng cầu tăng rất lớn.
TS Lịch phân tích: Để phục hồi kinh tế thành phố thì ngoài các nhóm biện pháp mà Chính phủ đang thực thi, TP cần bổ sung thêm những giải pháp khác. Chẳng hạn, về an sinh xã hội, ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ trị giá 62.000 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, nếu TP bổ sung thêm nguồn lực thì đây là biện pháp giúp kích thích tổng cầu tăng rất lớn.
Bởi những người nhận tiền từ gói này là xài ngay. Người nào cầm tiền mà xài ngay thì đó là những đối tượng cần đưa tiền; còn người nào mà đưa tiền nhưng họ cất trong tủ, gửi ngân hàng thì chưa cần đưa lúc này.
"Đây là yếu tố kích cầu theo cấp số nhân và nó liên quan đến chi tiêu công" - ông Lịch nói.
Liên quan đến vấn đề cho vay vốn từ ngân hàng, ông Lịch nhận định hiện nay rất nhiều doanh nghiệp than vãn bị nợ chồng nợ chất, nếu theo đúng quy định khoản vay của họ sẽ bị chuyển thành nợ xấu.
"Một khi khoản vay bị nhảy nhóm nợ thì DN không vay bổ sung được. Mà không vay được thì cũng đồng nghĩa là không có khả năng trả nợ được và cũng không hoạt động kinh doanh tiếp tục được. Như vậy doanh nghiệp chỉ còn con đường chết mà thôi. Do vậy, cho vay tiếp hay còn gọi “nuôi nợ” để đòi nợ là cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn như thế này" - TS Lịch nói.
Bên cạnh đó, chính quyền TP cũng cần tiếp tục duy trì, bổ sung các chính sách giảm, hoãn nộp tiền sử dụng đất, thuế… cho các doanh nghiệp. Hiện nay, tất cả các quy định từ đầu tư công, đến các thủ tục cấp giấy phép đầu tư vướng luật, chồng chéo lên nhau. Ví dụ cùng một đối tượng nhưng ở luật này thì gọi là nhà đầu tư, còn luật kia gọi là chủ đầu tư, do đó khi làm thủ tục xin cấp phép dự án bị ách tắc.
"Thiết nghĩ, TP nên mạnh dạn trình Chính phủ cho TP được phép ban hành một quy trình để cấp giấy phép đầu tư đối với những dự án bị mắc kẹt do các quy định của pháp luật còn bị chồng chéo và chưa chỉnh sửa được. Căn cứ quy định đó hợp tình nhưng chưa hợp lý và công khai minh bạch để thực thi. Phải gỡ như vậy thì mới giải ngân đầu tư công được.
Bởi chính đầu tư công, chi tiêu công là kích thích tổng cầu rất quan trọng trong điều kiện hiện nay. Còn nếu tiếp tục lừng chừng như hiện nay thì kể cả khu vực kinh tế tư nhân, bất động sản,… cũng không giải quyết được đâu" - chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch cho rằng nếu thành phố bổ sung thêm nguồn lực vào gói an sinh xã hội thì đây sẽ là cách để kích thích tổng cầu tăng rất lớn. Ảnh: TL
Liên quan đến đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ, TS Trần Du Lịch cho rằng chúng ta nên chọn đối tượng hỗ trợ là chọn DN tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông bị đổ vỡ. Ví dụ DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… có nguy cơ bị đổ vỡ thì cần phải được hỗ trợ. Cần đẩy mạnh biện pháp để làm sao ngăn chặn đổ vỡ, gãy đổ từ chuỗi doanh nghiệp này.
Một đối tượng doanh nghiệp cũng cần đặc biệt quan tâm đó là gần 300.000 hộ kinh doanh tiểu thương nhỏ lẻ trên thành phố. Chính những tiểu thương này mới là đối tượng bị tổn thương ghê ghớm do dịch COVID-19.
Do đó, TP cần có chính sách để hỗ trợ cho cả những đối tượng này và nhóm DN này càng phục hồi sớm thì càng góp phần thúc đẩy kinh tế cho thành phố phát triển.