Bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền ở SCB

(PLO)- “Nếu rút trước hạn ở SCB thì khách hàng sẽ bị mất tiền lãi mà đáng lẽ là được hưởng” - Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: An toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong nhiều năm qua. NHNN và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống tổ chức tín dụng trong mọi tình huống, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền sẽ được đảm bảo.

Rút tiền trước hạn sẽ chịu thiệt

Ngày 8-10, trả lời báo chí liên quan đến thông tin về NH Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian qua có những tin đồn không tích cực về SCB trên mạng xã hội.

Liên quan đến trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Với nhà đầu tư trái phiếu thì người có trách nhiệm trả tiền cho nhà đầu tư là công ty phát hành trái phiếu (cụ thể ở đây là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông - PV).

“Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì phải đảm bảo trả tiền gốc và lãi cho trái chủ (nhà đầu tư) vào ngày đáo hạn” - ông Tuấn giải thích.

Do đó, cơ quan này sẽ theo dõi sát tình hình và giải pháp phù hợp để NH này hoạt động bình thường. Đặc biệt, NHNN sẽ có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Người gửi tiền cần cân nhắc, thận trọng khi rút những khoản tiền trước hạn ở SCB. Vì nếu rút trước hạn thì khách hàng sẽ bị mất tiền lãi mà đáng lẽ là được hưởng”.

Ông Tú cũng mong muốn những người gửi tiền, khách hàng vay vốn tại SCB sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần tích cực để tạo điều kiện cho sự hoạt động ổn định, liên tục của NH trong thời gian tới.

Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nói rõ: Hoạt động gửi tiền của người dân là bình thường và tài sản của người dân được đảm bảo đầy đủ, do vậy người dân không nên hoang mang để dẫn tới việc rút tiền trước hạn làm ảnh hưởng đến quyền lợi về tài sản của mình.

“Khi rút trước kỳ hạn thì khoản tiền rút trước này sẽ chỉ được hưởng lãi suất của tiền gửi không kỳ hạn (tương đương khoảng 0,2%-1%/năm). Còn nếu gửi tiền có kỳ hạn thì người gửi tiền có thể được hưởng lãi suất lên tới 7%-8%/năm. Do vậy, nếu người dân rút tiền do những thông tin không chính thống hoặc thấy người khác rút tiền mà chúng ta cũng lo lắng xếp hàng rút tiền thì nên cân nhắc để tránh thiệt thòi quyền lợi của mình” - ông Tuấn phân tích.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM (ngoài cùng bên phải), khuyến cáo không rút tiền trước hạn tại SCB. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM (ngoài cùng bên phải), khuyến cáo không rút tiền trước hạn tại SCB. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh

Lãnh đạo NHNN cho hay cơ quan này đã có công điện gửi các NH thương mại trên hệ thống chấn chỉnh tình trạng một số nhân viên NH khác có hành vi lôi kéo người dân rút tiền gửi từ SCB sang gửi tiền của NH mình.

“Chúng tôi đã yêu cầu tất cả chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các NH thương mại, giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc cán bộ NH thương mại vận động, lôi kéo khách hàng của SCB rút tiền gửi để gửi sang NH mình là cạnh tranh không lành mạnh, có thể tạo ra sự bất ổn cho SCB lúc này và mất an toàn chung cho hệ thống NH thương mại” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành SCB, cho biết: Tính đến ngày 30-9-2022, NH này có 4.132 cổ đông, trong đó cổ đông nước ngoài là bảy và sở hữu 27,91% vốn điều lệ; cổ đông trong nước là 4.125, trong đó có 11 cổ đông tổ chức (sở hữu 15,7% vốn điều lệ) và 4.114 cổ đông còn lại sở hữu 56,11% vốn điều lệ.

“SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB; bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB” - ông Hoàn khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi về các phương án trả tiền cho khách hàng có nhu cầu rút tiền, ông Hoàng Minh Hoàn cho biết: Hiện SCB đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, SCB cũng tăng cường tiền gửi tại NHNN để đảm bảo yêu cầu thanh toán liên NH (thanh toán giữa SCB với các NH khác và ngược lại).

Hiện nay, do lượng khách hàng đến rút tiền đông hoặc có những khách hàng rút tiền với số tiền lớn nhưng không báo trước, SCB đã phải tăng cường nhân sự để đảm bảo trật tự cho khách hàng xếp hàng đúng thứ tự. SCB cũng nhờ cơ quan địa phương giúp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

“NHNN hiện hỗ trợ rất sát sao đối với NH SCB. Mọi diễn biến liên quan đến hoạt động của SCB, chúng tôi đều báo cáo với NHNN thường xuyên và các bộ, ngành có liên quan nhằm đảm bảo hoạt động của NH SCB. Chúng tôi khẳng định là thanh khoản của NH SCB vẫn ổn định và đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đúng theo quy định của pháp luật” - ông Hoàn nói.

Nhà đầu tư chứng khoán cần bình tĩnh

Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan và ba bị can đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan là vụ việc liên quan trực tiếp tới một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể và được xử lý theo pháp luật. Do vậy, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục làm rõ theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

“UBCKNN khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường” - phía cơ quan quản lý cho hay.

Trong bối cảnh hiện tại, UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm