TP.HCM làm gì để đánh thức du lịch văn hóa?

TP.HCM làm gì để đánh thức du lịch văn hóa?

(PLO)- Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa, TP.HCM cần chú trọng hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ, công tác quảng bá.

Sáng 9-10, TP.HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi, Chính quyền trả lời" với chủ đề "Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tại TP.HCM". Chương trình do Thường trực HĐND TPHCM, Đài Truyền hình TP.HCM và Sở TT-TT phối hợp thực hiện.

TP.HCM xác định sản phẩm đặc trưng

Tại chương trình, lãnh đạo các sở và UBND quận, huyện đã trả lời câu hỏi mà cử tri trực tiếp gửi đến. Nhiều cử tri bày tỏ quan tâm đến việc bảo tồn sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa, gắn kết sản phẩm du lịch kinh tế đêm, hệ thống hạ tầng giao thông và giải pháp đưa ra để phát triển du lịch.

Trả lời cử tri, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết TP có nhiều di tích lịch sử, văn hóa điểm đến khai thác đưa vào chương trình tham quan du lịch. Tuy nhiên, chiến lược phát triển du lịch TP xác định sản phẩm văn hóa lịch sử là sản phẩm chính.

Đối với sản phẩm du lịch quận, huyện và TP Thủ Đức giới thiệu trong thời gian qua, Sở Du lịch chủ trì cùng chuyên gia du lịch, doanh nghiệp (DN) và quận, huyện xâu chuỗi lại. Sau đó, xác định, đánh giá và kết nối các điểm tham quan của quận, huyện thành sản phẩm đặc trưng theo hướng: vùng địa lý liên kết; sản phẩm du lịch chủ đề (nghi lễ); sản phẩm loại hình (du lịch MICE, du lịch đêm và du lịch lễ hội).

Tuy nhiên theo bà Hiếu, ngoài những mặt thuận lợi thì phát triển du lịch văn hóa, lịch sự còn gặp nhiều khó khăn:

"Nhiều di tích chưa thể đưa vào khai thác được do tiếp cận giao thông không thuận lợi. Những đoàn khách lớn đến điểm di tích không có đường kết nối. Nội dung chưa thực sự hấp dẫn, dịch vụ chưa đảm bảo, điểm đến tại khu di tích lịch sử chưa có điểm đến xung quanh để kết nối chương trình hoàn chỉnh, nguồn lực và hướng dẫn viên am tường văn hóa còn thiếu." - bà Hiếu nói thêm.

Chương trình "Dân hỏi, Chính quyền trả lời" với chủ đề "Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tại TP.HCM. Ảnh cắt từ màn hình.
Chương trình "Dân hỏi, Chính quyền trả lời" với chủ đề "Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tại TP.HCM. Ảnh cắt từ màn hình.

Sở Du lịch đưa ra các giải pháp: Tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống tài nguyên du lịch và thông tin cơ bản du lịch để du khách biết đến sản phẩm du lịch; đẩy nhanh giai đoạn hai ứng dụng công nghệ 3D 360 độ; phối hợp Sở VH-TT, quận, huyện và TP Thủ Đức phát triển di sản phi vật thể thành sản phẩm phục vụ du khách như lễ hội văn hóa, chương trình biểu diễn thường kỳ.

Việc bảo tồn đờn ca tài tử Nam Bộ sau khi được UNESCO ghi danh sản phẩm phi vật thể nhân loại cũng được cử tri đặc biệt quan tâm.

Phó giám đốc Sở VH-TT, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết từ khi ghi danh đến nay, TP đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử và xây dựng kế hoạch trên toàn TP triển khai theo từng năm.

TP.HCM tổ chức nghệ nhân truyền dạy đờn ca tài tử tại trung tâm văn hóa quận, huyện tập huấn nghệ nhân chủ chốt góp phần lan tỏa loại hình này. Ngoài ra, thông qua chương trình Sân khấu học đường, TP đã giới thiệu và phổ biến kiến thức loại hình đến cấp học, đồng thời thường xuyên tổ chức liên hoan, hội diễn đờn ca tài tử.

"Chúng tôi khảo sát điều tra đội ngũ nghệ nhân đang thực hành di sản phi vật thể trên các mặt: công tác nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, thành tích nghệ thuật...hệ thống hóa tất cả dữ liệu về nghệ nhân nghệ sĩ. TP cần có cơ chế chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ một cách hiệu quả hơn vì hiện tại không có quy định các chế độ đãi ngộ cho NSND, NSƯT, nghệ nhân..." - bà Thúy nói.

Tiến đến tổ chức ngày Di sản TP.HCM

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho hay huyện Củ Chi xây dựng đề án phát triển chung, trong đó chú trọng phát triển du lịch đường thủy gắn với du lịch ven sông Sài Gòn để du khách có thể đi từ TP.HCM tham quan Địa đạo Củ Chi và ghé thăm các điểm tham quan.

"Huyện kiến nghị UBND TP điều chỉnh quy hoạch 10 phân khu ven sông Sài Gòn thành quy hoạch sinh thái thông minh để tăng lượng đất ở, tăng mật độ dân số khu vực này thu hút nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án du lịch ven sông. Đồng thời huyện kiến nghị UBND TP có cơ chế đặc thù cho từng địa phương, xây dựng đầu tàu, bến thủy.."- bà Hằng nói.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đường thủy.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đường thủy.

Về du lịch đường thủy, Sở Du lịch TP.HCM đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đường thủy tầm ngắn và tầm trung. Sắp tới, sở sẽ nghiên cứu bến Bạch Đằng sẽ trở thành bến trung tâm và đưa nhiều hoạt động vui chơi giải trí trên lộ tuyến ven sông Sài Gòn. Về hạ tầng, Sở Du lịch kiến nghị Sở GTVT có sự phối hợp đồng bộ bến thủy nội đô, phát triển đề án ven sông.

Thông tin về hoạt động kinh tế đêm, bà Hiếu cho rằng: "HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về 19 sự kiện tiêu biểu, đây là điều kiện tốt ngành du lịch và ngành văn hóa quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu kinh tế du lịch trong đó kinh tế đêm.

Trong chiến lược phát triển du lịch những năm tới, sản phẩm "du lịch không ngủ" gắn với kinh tế đêm là sản phẩm đặc trưng. Sở Du lịch và Sở VH-TT có kế hoạch liên tịch xây dựng sản phẩm nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách, đồng thời tham mưu cơ chế xây dựng chương trình biểu diễn chuyên nghiệp..."

Kết luận chương trình ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM cho biết: Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và văn hóa trong phát triển du lịch ngày càng tốt hơn, HĐND đề nghị UBND TP.HCM tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Trong đó, UBND TP cần khắc phục hạn chế, yếu kém tồn tại ảnh hưởng đến việc thu hút khách tham quan như hạ tầng giao thông, bến bãi, công trình tiện ích, chất lượng nguồn nhân lực các chính sách hỗ trợ, công tác quảng bá, tổ chức sự kiện gắn kết sự kiện vật thể và phi vật thể. Qua đó, TP từng bước hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm.

"TP tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực xã hội, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với mô hình "Hành trình đến với di sản" thành sản phẩm đặc trưng. Từ đó TP tiến đến tổ chức ngày Di sản tại TP. Đồng thời, TP quảng bá giá trị tài nguyên du lịch, xác định du lịch di sản là một trong những sản phẩm đặc trưng của TP trong chiến dịch quảng bá, xúc tiến." - ông Bình nhấn mạnh.

Đọc thêm