Day dứt khi nhìn thấy trẻ không bình thường

Đó là chia sẻ chân tình của của thầy Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 5 trong buổi giao lưu, họp mặt những giáo viên, cán bộ tiêu biểu trong hoạt động giáo dục khuyết tật và hòa nhập sáng 14-11.

“Những đóa hồng thầm lặng”

Cô Quách Thị Mộng Tuyền, tổ trưởng chuyên môn, giảng dạy HS hòa nhập tại Trường Mầm non Hoa Phượng, quận Thủ Đức gần 20 năm nay cũng đến với nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật, hòa nhập từ những lý do đơn giản như thế.

Cô Tuyền tâm sự: Là một giáo viên mầm non, khi nhìn thấy một đứa trẻ suốt ngày la hét, tự cắn tay mình, không chịu tiếp xúc cũng không cho ai tới gần. Hay nhìn một bé bị mắc hội chứng Down cầm cây sáp màu bỏ miệng ăn ngon lành, bị bạn cắn chảy máu mà chỉ biết khóc khiến tôi ray rứt lắm. Những lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình phải làm gì đó để giúp trẻ biết những gì không ăn được, những gì không nên làm, trẻ nói những gì trẻ muốn chứ không phải để trẻ tự hành hạ mình như vậy.

 Các giáo viên tiêu biểu chia sẻ tâm tư và kinh nghiệm trong nghề tại buổi gặp mặt. Ảnh: Phạm Anh 

Không chỉ với giáo viên, bản thân thầy Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 5 cũng có những cơ duyên để đến và gắn bó với lĩnh vực này suốt hàng chục năm nay.

Thầy Hầu kể trước đây, thầy làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận 5). Trong một lần thấy mẩu tin trên báo về việc TP có mở một khóa đào tạo sư phạm giáo dục đặc biệt nên thầy quyết tâm đăng ký học.

“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ học để biết rồi sau nay khi về hưu, tôi đến các trung tâm khuyết tật để hỗ trợ chứ không nghĩ sẽ ra trực tiếp làm việc ngay. Sau khi học xong, được gia đình và lãnh đạo ủng hộ, tôi đã về Trường Tiểu học Trần Quốc Toản để bắt đầu triển khai dạy trẻ hòa nhập và hội nhập, không ngờ lại rất thành công” - thầy Hầu kể.

Từ đó đến nay đây là một trong những trường có số trẻ học hội nhập và hòa nhập nhiều nhất của quận. Các giáo viên trong trường cũng chủ động tìm tòi, học hỏi để giáo dục trẻ tốt hơn.

Khó khăn đủ bề 

Mặc dù giáo dục hòa nhập là nhu cầu có thật, là rất cần thiết khi càng ngày càng xuất hiện nhiều trẻ có những biểu hiện bất thường nhưng các trường, các giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm việc.

Theo thầy Hầu, chế độ đãi ngộ cho giáo viên có nhưng chưa phù hợp thực tế. Cụ thể, văn bản của Bộ GD&ĐT quy định hỗ trợ cho giáo viên dạy hòa nhập nhưng quy định một lớp chỉ có 1-2 em hòa nhập với mức hỗ trợ là 260.000 đồng/em/tháng. Trong khi số trẻ hòa nhập ở các trường khá nhiều, như Trường Trần Quốc Toản có đến 194 trẻ học hòa nhập. Số em này rải đều ra trong 24 lớp, nghĩa là mỗi cô phải phụ trách 4-6 em, thế nhưng tiền hỗ trợ chỉ theo quy định là 1-2 em/lớp.

Chưa kể theo quy định, trẻ học hòa nhập phải có giấy chứng nhận khuyết tật của địa phương nhưng một số nơi không cấp giấy vì không nắm chuyên môn này. Khi gia đình đưa trẻ đến để làm giấy xác nhận thì họ thấy mặt các em rất bình thường, biết tên tuổi nên kết luận là trẻ bình thường rồi không cấp giấy chứ họ không biết được có nhiều dạng tật không dễ dàng để nhận biết như thế.

“Phụ huynh tâm sự rằng trong xóm không ai biết con họ bị sao cả. Vì con của họ đến trường được hưởng chế độ như các trẻ bình thường, cũng quần xanh áo trắng, nếu tốt cũng vào đội đeo khăn quàng đỏ. Giờ mà phụ huynh đưa con về địa phương để xác nhận khuyết tật thì cả nước biết mất thầy ơi. Gặp những trường hợp đó khiến trường rất khó khăn, vì thế rất mong lãnh đạo xem xét lại để có hướng tham mưu về chế độ, chính sách cho hợp lý hơn” - thầy Hầu nói.

Đồng ý với những khó khăn này, cô Hoàng Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường giáo dục chuyên biệt Thảo Điền, quận 2, cũng cho hay nhiều phụ huynh có con kém may mắn thì chỉ nghĩ đưa con vào trường để chăm sóc chứ không nghĩ rằng phải hợp tác làm sao để trẻ tiến bộ và hòa nhập tốt. Còn những phụ huynh khác lại lo sợ, có định kiến và xa lánh với các em khuyết tật khiến công tác giáo dục gặp không ít khó khăn. Theo cô Hường, để giáo dục tốt nhất với những trẻ này đòi hỏi phụ huynh phải hợp tác chặt chẽ với nhà trường để thống nhất phương pháp và theo dõi xuyên suốt quá trình tiến bộ, thay đổi của trẻ.

 

Buổi lễ do Công đoàn ngành GD&ĐT TP.HCM tổ chức với chủ đề “Những đóa hồng thầm lặng” nhân kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2015).

Tại đây, 14 giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong hội thi Giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật TP.HCM năm học 2014-2015” và 109 giáo viên tiêu biểu đã được lãnh đạo ngành GD&ĐT TP tuyên dương vì những đóng góp to lớn của họ trong hoạt động giáo dục khuyết tật và hòa nhập.

-----------

Day dứt khi nhìn thấy trẻ không bình thường ảnh 2

 Ông Lê Hồng Sơn trao kỷ niệm chương cho các cán bộ, giáo viên tiêu biểu trong giáo dục trẻ khuyết tật và hòa nhập sáng 14-11
Ngành giáo dục ghi nhận những tâm huyết, hy sinh thầm lặng của các đội ngũ cán bộ, nhà giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả để dìu dắt, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật, hòa nhập trong thời gian qua.

Về những khó khăn hiện nay, hiện TP đã xây dựng chính sách riêng và đang chờ UBND TP ký về hỗ trợ chế độ chính sách cho  giáo viên dạy trẻ khuyết tật và hòa nhập. Trong đó, giáo viên mầm non và tiểu học sẽ được tăng hỗ trợ gấp nhiều lần vì đặc thù dạy theo lớp nhưng ngược lại, giáo viên THCS và THPT sẽ bị giảm xuống cho phù hợp với công sức thực tế các giáo viên bỏ ra. TP cũng sẽ tiếp tục kiến nghị để làm sao Bộ GD&ĐT quy định phù hợp với đặc thù của TP hơn. Ví dụ như quy định của Bộ là chỉ 1-2 trẻ hòa nhập/lớp nhưng đặc thù của TP đông dân cư, có khoa học giáo dục phát triển, thu hút nhiều trẻ khuyết tật từ các tỉnh thành bạn nên phải có quy định khác.

                               (Ông LÊ HỒNG SƠN, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm