Ngày 13-2, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 6 triệu đồng đối với ba tài xế taxi về hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Thông tin trên nhanh chóng gây chú ý cho hàng ngàn độc giả. Đa số ý kiến thể hiện sự đồng tình và cho rằng cần đẩy mạnh việc xử phạt các hành vi tương tự để góp phần nâng cao văn hóa của người dân. Bên cạnh đó, không ít băn khoăn được đặt ra, đó là việc số lượng nhà vệ sinh công cộng (VSCC) hiện chưa đủ để người dân dùng.
Mỏi mắt tìm chỗ tè
“Muốn tè đúng chỗ nhưng nhiều khi đi cả vài km cũng không có lấy một nhà VSCC, buộc phải tè bậy” - chia sẻ của một tài xế taxi khi được hỏi về việc xử phạt hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Vị này cho biết mặc dù bản thân không hề muốn thực hiện hành vi thiếu văn hóa nhưng bị rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”.
“Nhịn thì cũng có giới hạn, đến lúc không thể chịu nổi mà vẫn chưa tìm được nhà VSCC thì đành phải kiếm một chỗ nào đó để xả. Không chỉ tôi, nhiều hành khách cũng từng rơi vào hoàn cảnh này” - tài xế taxi nói.
Khu vực đầu cầu Long Biên bị người dân tiểu bậy, bốc mùi hôi nồng nặc
Câu chuyện của người lái xe không phải hiếm, nhiều người khi được hỏi cũng cho biết mỗi khi muốn đi tiểu tiện, họ rất khó khăn để tìm được một nhà VSCC.
“Chẳng lẽ mỗi lần muốn đi vệ sinh lại tạt vào quán cà phê, uống một cốc rồi đi nhờ? Người khác năm thì mười họa không sao chứ chúng tôi ngày nào chẳng ra đường” -ông Trịnh Văn Luận, một xe ôm tại đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt câu hỏi.
Tương tự, Dương Quang Tuyền (sinh viên một trường ĐH) cũng chia sẻ câu chuyện “dở khóc dở cười” của mình. Theo đó, trong một lần lưu thông trên đường Trần Duy Hưng, dù rất buồn vệ sinh nhưng không thể tìm thấy nhà VSCC nào. Cậu sinh viên cố gắng nhịn nhưng dù đi hết con phố này, sang đến đường Phạm Hùng rồi Cầu Giấy vẫn không có. Cuối cùng, cậu đành phải tạt vào một tiệm tạp hóa, mua chiếc thẻ điện thoại 50.000 đồng để đi tiểu nhờ.
Vừa thiếu, vừa bẩn
Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện toàn TP có khoảng 340 nhà VSCC được phân bố trên khu vực 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, trong số này có tới 263 nhà VSCC cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Chỉ có hơn 100 nhà VSCC được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác...
Nhà VSCC hiện tập trung phần lớn tại bốn quận nội thành
Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong bốn quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đã có tới 310 cái. Điều này đồng nghĩa với việc sáu quận và một thị xã còn lại chỉ có 130 nhà VSCC, tức mỗi quận chỉ có khoảng 20 nhà VSCC.
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường như Giảng Võ, Cầu Giấy, Đê La Thành, Kim Mã, Phạm Hùng… dù đây đều là các tuyến giao thông có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn nhưng để tìm được một nhà VSCC thì mỏi mắt cũng không thấy.
Một người đàn ông tiểu bậy vào sáng 14-2, tại đường Kim Mã
Tình trạng trên có “giảm nhiệt” hơn tại một số tuyến đường trung tâm như khu vực hồ Gươm, Phố Cổ,… Tuy nhiên, rất nhiều nhà VSCC bị phản ánh là bẩn và xuống cấp.
Theo đó, tại nhà VSCC khu vực gầm cầu Long Biên, giá mỗi lần đi vệ sinh là 3.000 đồng. Thế nhưng chỉ cần đến gần, mùi khai nồng nặc đã bốc lên. Bước vào trong, không gian vừa tối vừa nặng mùi khiến không ít người nhăn mặt.
“Méo mó có hơn không, bẩn chút nhưng xả được khỏi người vẫn hơn là không tìm được nhà vệ sinh” - một người dân chép miệng.
Lắp mới gặp nhiều khó khăn
Vừa qua, để giảm tải tình trạng thiếu nhà VSCC, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận để Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing đầu tư 1.000 nhà VSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của công ty này cho thấy quá trình lắp đặt mới các nhà VSCC đang gặp nhiều khó khăn.
Một nhà VSCC tại phố Hàng Bồ đóng cửa, dù đang là ban ngày
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Vinasing đã, đang tiến hành thi công lắp đặt được 55 nhà VSCC trên toàn địa bàn TP và sẽ tiến hành bàn giao cho TP 80-100 nhà VSCC trong tháng 3-2017 để đưa vào vận hành.
Trong việc triển khai lắp đặt, Vinasing gặp rất nhiều khó khăn về việc thay đổi vị trí đề xuất lắp đặt tại các phường. Tại một số vị trí, bên thi công gặp phải phản ứng gay gắt của người dân dẫn đến chậm tiến độ, thậm chí phải ngừng thi công, hoàn trả mặt bằng.