Theo báo cáo, sáu tháng đầu năm, ngành thi hành án đã thụ lý gần 450.000 việc. Kết quả thi hành xong gần 150.000 việc.
Báo cáo nêu công tác thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng các đề án, văn bản còn chậm. Công tác quản lý, điều hành có lúc có nơi còn chưa sâu sát, kịp thời. Kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành còn nhiều hạn chế; cấp dưới không chấp hành chỉ đạo của cấp trên… Ngày càng có nhiều đương sự lợi dụng quyền công dân khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp nhằm cản trở thi hành án. Một số vụ việc phức tạp kéo dài liên quan đến nhiều bộ, ban ngành nên cơ quan thi hành án địa phương chưa thể dứt điểm.
Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo cơ quan thi hành án địa phương cho rằng cần giải quyết tình trạng án tồn đối với đương sự chấp hành án tù mà không có điều kiện thi hành án. Tình trạng chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan thi hành án bị khởi tố có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cần phân tích rõ nguyên nhân, có biện pháp phòng tránh, đánh giá đầy đủ công tác phòng, chống tham nhũng trong thi hành án, xác định rõ các khâu dễ phát sinh tham nhũng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn cho rằng do chưa có hướng dẫn cụ thể việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án, việc bán đấu giá tài sản thi hành án, việc phân chia tài sản chung, xác định quyền sở hữu tài sản… dẫn đến chuyện nhiều tòa thụ lý không đúng đơn của đương sự kiện cơ quan thi hành án. Việc tòa án đưa cơ quan thi hành án vào làm bị đơn dân sự đã tạo tâm lý bất an cho chấp hành viên cũng như lãnh đạo cơ quan thi hành án.
TIẾN HIỂU