Tại đây, ThS giáo dục học Hoàng Thị Kim Huệ (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã lý giải cho học sinh về “vùng đồ bơi” được các em che chắn khi đi tắm biển. Đây là khu vực không ai được phép đụng đến, không ai có quyền nhìn, nói, chạm hay sờ, làm đau, trừ trường hợp bố mẹ làm vệ sinh, tắm cho con hoặc bác sĩ thăm khám khi có bố mẹ đi cùng (tránh trường hợp bác sĩ cũng là người xâm hại). Theo đó, năm cảnh báo được đưa ra là: Cảnh báo nhìn, nghe nói, sờ, ôm, sau cùng là người xấu bắt cóc, mang trẻ vào chỗ kín để xâm hại.
Để các em học sinh dễ hiểu, ThS Huệ đã đưa ra quy tắc “năm ngón tay”: Trong đó, ngón cái là ngón gần mình nhất, tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như bố mẹ, anh chị em ruột. Các em có thể ôm hoặc đồng ý để các thành viên trong nhà ôm.
Thạc sĩ giáo dục học Hoàng Thị Kim Huệ hướng dẫn học sinh về quy tắc "năm ngón tay".
Tiếp đó là ngón trỏ, tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Ngón tay giữa, gồm những người quen như hàng xóm, các em được phép bắt tay. Ngón áp út chỉ những người xa lạ, lần đầu tiên gặp trẻ cần có khoảng cách là vẫy tay chào. Ngón út biểu tượng cho những người lần đầu tiên gặp, các em hãy xua tay.
Đặc biệt, khi rơi vào tình huống có nguy cơ bị xâm hại tình dục, đầu tiên các em phải phản đối, không nói chuyện, không tiếp xúc, trong trường hợp bị khống chế thì hét lên, vẫy vùng để thoát khỏi kẻ xấu có ý định xâm hại mình.
Tiếp theo, trẻ cần tấn công vào vùng “bí mật” của đối phương, sau đó bỏ chạy để không bị bắt trở lại. Bước cuối cùng, trẻ nên kể lại tình huống này cho bố mẹ để tố cáo người xấu, giúp con tránh khỏi bị xâm hại.
Bà Nguyễn Diệu Ánh - Hiệu phó trường tiểu học Nguyễn Du, đã khuyến khích học sinh sau buổi sinh hoạt chuyên đề nên chia sẻ các bài học về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em cho những thành viên trong gia đình để mọi người cùng nắm được. Từ đó mọi người sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ con em mình.
Các em chăm chú nghe cô hướng dẫn.