ĐBQH bức xúc vì quảng cáo thuốc không khác gì quảng cáo thức ăn gia súc

(PLO)- Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng quảng cáo thuốc, dược phẩm chức năng hiện nay rất bát nháo, không được kiểm soát, giống như quảng cáo thức ăn gia súc…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 18-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động quảng cáo thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng hiện nay khá loạn, không được kiểm soát chặt chẽ, gây nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc dự luật đề xuất bãi bỏ một số quy định về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, xác nhận nội dung… về thông tin, quảng cáo thuốc cần phải được tính toán cẩn trọng.

quảng cáo thuốc
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

“Hiện nay quảng cáo thuốc diễn ra tràn lan, thậm chí bát nháo. Nếu bỏ xác nhận của cơ quan nhà nước rất là nguy hại, vì thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người. Tôi tán đồng việc này nhằm cải cách thủ tục hành chính, nhưng liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân thì cần phải cẩn trọng” – ĐB Nga nói.

Theo ĐB Nga, hầu hết các quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng đều có công thức chung là một người bị bệnh, được người khác (không phải là chuyên gia, bác sỹ, dược sỹ) giới thiệu, mách bảo loại thuốc này, thuốc kia tốt lắm và họ mua để sử dụng.

“Vậy mà chúng ta vẫn để các quảng cáo như thế này tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có những lúc, tôi cảm giác quảng cáo thuốc đó không khác gì quảng cáo thức ăn gia súc, hay là phân bón. Bởi vì cứ người này mách người kia là dùng cái này tốt lắm và mua dùng” – ĐB Nga nhấn mạnh.

Theo ĐB Nga, những quảng cáo dạng này không vì trách nhiệm cộng đồng. Do đó dự luật bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước trong thông tin, quảng cáo thuốc, và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì rất khó kiểm soát.

“Đề nghị việc này cần thận trọng hơn, chưa nên bỏ xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quảng cáo thuốc, bán thuốc” – ĐB Nga nói.

quang-cao-thuoc-nguyen-lan-hieu.jpeg
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nói bản thân ông không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi "thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh có dùng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng mà người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tài sản".

Theo bác sĩ Lân Hiếu, quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế.

Ông đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, app (ứng dụng) của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng các thuốc này.

"Đây là vấn đề nổi trội mà chúng ta cần đưa vào để tránh tình trạng bán các thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.

Báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cho hay những ảnh hưởng quan trọng của thuốc với sức khỏe nhân dân và thực tiễn hoạt động quảng cáo cho thấy còn nhiều bất cập, làm người dân hiểu sai về tác dụng của thuốc.

Đa số ý kiến Ủy ban Xã hội không đồng ý với việc chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế hậu kiểm vì công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động này chưa được triển khai thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.

Theo đó, báo cáo thẩm tra đề nghị tiếp tục áp dụng đồng thời cả tiền kiểm và hậu kiểm. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm