Tuy nhiên, để số lượng đi kèm với chất lượng, ông Nghĩa đề nghị xây dựng cơ chế, giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao nhằm xóa bỏ mặc định “Đảng cử, dân bầu” vốn trở thành nguyên tắc lâu nay. Cùng với đó, đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước.
“Phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng về cơ cấu, nặng theo hướng giảm đến mức tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia QH, nhằm tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, địa phương, không ngại vất vả dự họp QH hàng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp QH” - ông Nghĩa nói.
Đồng tình với một số ý kiến mà ông Nghĩa đề cập, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận xét dự thảo chưa đổi mới mạnh mẽ. “Thiết chế chính trị của ta có ĐB chuyên trách, có ĐB không chuyên trách, nói nôm na QH vẫn còn cơ chế mặt trận. Muốn các ĐB chuyên trách là những người chuyên nghiệp thì phải quy định rất rõ ĐB chuyên trách là ai, quyền hạn, trách nhiệm đến đâu và vai trò của chuyên trách.
“Với chuyên trách như hiện nay mà còn tăng nữa thì chỉ tốn ngân sách, không có lợi cho dân, nếu không thay đổi” - ông Lịch cảnh báo. Cũng theo ông Lịch, muốn đổi mới thì QH phải thực sự là cơ quan quyết định ngân sách. “Nếu không làm hai việc này thì chúng ta có bao nhiêu thứ quyền cũng vô nghĩa”. Từ nhận định trên, ông Lịch đề nghị không nên để là Ủy ban Tài chính-Ngân sách chung chung mà phải là Ủy ban Ngân sách QH. Đồng thời, Ủy ban Ngân sách phải chủ động trong quá trình lập dự toán và chịu trách nhiệm trước QH, phần chính sách tài chính để Ủy ban Kinh tế làm.
THÀNH VĂN