Đề án ngoại ngữ: Thầy yếu, chương trình nặng

Cán bộ chấm thi không được đào tạo, không có cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng nên nhiều địa phương phải tìm đến các tổ chức khảo thí quốc tế.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội nghị giao ban “Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020: Triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2011-2013, định hướng nhiệm vụ trọng tâm 2014-2015” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 11-12 tại TP Đà Nẵng.

Đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt yêu cầu

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 là một đề án lớn, kéo dài nhiều năm, liên quan đến gần 80.000 giáo viên và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên hưởng thụ các kết quả và tác động của đề án trong vòng 10 năm.

Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban Thường trực đề án, cho biết qua rà soát năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh thì tỉ lệ chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ rất cao, với gần 75% giáo viên tiểu học và gần 90% giáo viên THPT.

Đề án ngoại ngữ: Thầy yếu, chương trình nặng ảnh 1

Vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong quá trình triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Trong ảnh: Ông Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TẤN TÀI

“Hiện tỉ lệ giáo viên tiếng Anh so với số lượng học sinh ở cấp tiểu học rất thấp. Chúng tôi đã bố trí một giáo viên tiếng Anh ở mỗi trường tiểu học nhưng vẫn không đủ. Ít nhất một trường phải có bốn giáo viên tiếng Anh” - đại diện Sở GD&ĐT TP Hà Nội nói.

Theo Ban chỉ đạo đề án, hiện vẫn chưa giám sát được chất lượng của các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ tại địa phương (bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ).

Vừa viết sách vừa thí điểm

“Trong quá trình đổi mới chương trình, SGK, dạy-học, thi và kiểm tra tiếng Anh phổ thông, đề án triển khai khẩn trương nên vừa viết SGK lại vừa triển khai thí điểm, thẩm định, rà soát bồi dưỡng hướng dẫn cho giáo viên. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng trong khi triển khai” - bà Anh thừa nhận. Công tác triển khai chưa đảm bảo tính hệ thống. Cụ thể: Một số học sinh đã tham gia học chương trình thí điểm bậc tiểu học lại học chương trình cũ ở một trường THCS khác. Ngược lại, có học sinh chưa tham gia học chương trình từ lớp 3 lại phải học chương trình thí điểm lớp 6. Ngoài ra, tiến độ biên soạn SGK tiếng Anh phổ thông thí điểm theo chương trình 10 năm còn chậm, trong khi vẫn chưa đánh giá, hoàn thiện sau khi kết thúc thí điểm một năm.

Về nội dung chương trình, SGK tiếng Anh thí điểm, nhiều đại biểu cho rằng còn mắc nhiều lỗi gây khó khăn cho người dạy, người học. Chẳng hạn: Các chủ điểm trong chương trình khó thực hiện vì quá dài. Chương trình lớp 5 quá nặng, ngữ liệu nhiều, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ. Một số ngữ liệu ngôn ngữ và yếu tố văn hóa chưa phù hợp, số lượng nhân vật quá nhiều, trong khi có quá ít tranh ảnh. Các đại biểu cũng chỉ ra những khiếm khuyết trong giai đoạn thí điểm như giá thành SGK hơi cao, chưa có ngân hàng tiểu mục đề thi tiếng Anh trong giáo dục phổ thông nên các địa phương lúng túng trong việc kiểm tra, đánh giá giáo viên, học sinh…

Chương trình dạy tiếng Anh tại trường: 70% học sinh chưa hài lòng

Đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát khả năng đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng nghe, nói tiếng Anh” vừa được ThS Đỗ Thị Phương Anh, Viện Nghiên cứu Giáo dục, công bố ngày 11-12 cho thấy hơn 70% học sinh lớp 10 được hỏi trả lời việc học tiếng Anh tại trường không đáp ứng được nhu cầu học tập tiếng Anh.

Đề tài khảo sát trên 12 giáo viên và 322 học sinh lớp 10 các trường trung học thực hành, Bùi Thị Xuân và Phan Đăng Lưu tại TP.HCM. Theo đó, kỹ năng mà các em tự tin nhất là đọc và viết, còn nghe và nói chỉ ở mức độ hài lòng.

Một số giáo viên trong khảo sát cũng cho biết việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn còn nặng về ngữ pháp và viết do nội dung đề thi tập trung kiến thức ngữ pháp và dịch là chủ yếu.

Hơn nữa, chương trình giảng dạy môn tiếng Anh dù đã được điều chỉnh, biên soạn theo hướng thúc đẩy học sinh phát triển đầy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng chưa thực sự hiện đại, mức độ cập nhật chưa cao.

Nội dung SGK tuy đã thay đổi nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết và ngôn ngữ quá hàn lâm, chưa đáp ứng được yêu cầu rèn luyện kỹ năng giao tiếp của học sinh. Các chủ đề còn xa vời với thực tế khiến học sinh mất hứng thú trong môn học tiếng Anh.

TRÀ GIANG

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-9-2008. Mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên. Đồng thời, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỉ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp.

Mục tiêu đến năm học 2018-2019 có 100% học sinh lớp 3, 90% học sinh lớp 6 và 50% học sinh lớp 10 vào năm 2020-2021 tham gia đề án.

Cần thành lập một trung tâm có uy tín để đánh giá chất lượng dạy, học ngoại ngữ, trong đó lấy các trường đại học ngoại ngữ làm nòng cốt. Có thể mời chuyên gia nước ngoài tham gia kiểm định, đánh giá.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm