Để cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khai thác vào năm 2027

(PLO)- Để dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khai thác vào năm 2027, chủ đầu tư cho biết cần sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) đã có báo cáo UBND TP.HCM liên quan đến dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Ban Giao thông mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án cao tốc này đưa vào khai thác trong năm 2027. Đồng thời, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cần triển khai đồng bộ với dự án cao tốc Bavet – Phnom Penh (Camphuchia).

Vì vậy, Ban Giao thông kiến nghị UBND TP nhiều nội dung. Từ đó, TP báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù.

TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù cho cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: ĐT

TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù cho cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: ĐT

Về nguồn vốn, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí nguồn vốn Trung ương hỗ trợ hai địa phương 29% tổng phần vốn nhà nước tham gia dự án với giá trị 2.900 tỉ đồng.

Đồng thời, phân bổ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương để đảm bảo giải ngân trong năm 2025.

Cụ thể, tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỉ đồng (100% chi phí bồi thường GPMB) và TP.HCM 1.368 tỉ đồng (25% chi phí bồi thường GPMB).

Ban Giao thông cho biết TP.HCM và tỉnh Tây Ninh sẽ cân đối nguồn ngân sách địa phương để đảm bảo phần vốn còn lại cho công tác bồi thường GPMB của TP khoảng 4.132 tỉ đồng và chi phí hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP khoảng 2.900 tỉ đồng.

Ban Giao thông cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.HCM và Tây Ninh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Bên cạnh đó là các công tác khác như tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) GPMB của các dự án thành phần theo từng giai đoạn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

Song song đó, khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT phê duyệt dự án thành phần 1 dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài theo phương thức đối tác công (Hợp đồng BOT) như đề xuất của UBND TP.

Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí nguồn vốn Trung ương hỗ trợ hai địa phương 29% tổng phần vốn nhà nước tham gia dự án với giá trị 2.900 tỉ đồng theo kiến nghị của UBND TP.

Đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng khẩn trương có ý kiến thống nhất về phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn tránh Kho đạn K75, Quân khu 7 trên địa bàn huyện Củ Chi theo đề xuất của UBND TP.

Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài hơn 53 km, có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP.HCM, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh).

Dự án này hoàn thành sẽ kết nối từ Khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TP.HCM để tạo thành một mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TP.HCM.

Đồng thời, dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm