Để dịch không tái bùng phát, phải phòng sớm ngay từ cơ sở

(PLO)- Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, thực hiện hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm “phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở” cần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại; tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Người dân, nhân viên y tế “nói không” với khẩu trang

Hiện nay, tình hình người dân lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch đang có dấu hiệu tăng dần. Tại các khu vực công cộng, nhiều người không thực hiện việc đeo khẩu trang.

Nhiệm vụ trọng tâm

Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ năm tuổi đến dưới 12 tuổi; thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân; công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng chống dịch, nhất là công tác tiêm vaccine chưa hiệu quả.

Trong thời gian tới, quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang - khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ từ năm tuổi đến dưới 12 tuổi trong tháng 8 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

ĐÀO HỒNG LAN

Trong khi đó, bệnh viện (BV) là nơi tập trung đông bệnh nhân và người nhà nên dễ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Thế nhưng, ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM cho thấy không ít nhân viên y tế của một số BV trên địa bàn TP.HCM thờ ơ trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19.

Bước vào BV quận 4, không khó để ghi nhận hình ảnh bảo vệ, nhân viên y tế và rất nhiều bệnh nhân không đeo khẩu trang.

Tại quầy thuốc, PV ghi nhận một nữ nhân viên y tế không đeo khẩu trang vô tư bán thuốc cho bệnh nhân. Chưa hết, một nam nhân viên y tế khu vực nhận bệnh và một nữ nhân viên thu viện phí của BV này cũng không mang khẩu trang.

Tại BV đa khoa khu vực Hóc Môn, nhân viên giữ xe và nhiều bệnh nhân không đeo khẩu trang. Trong khu vực khám bệnh, một nữ nhân viên ngồi ở bàn hướng dẫn mặc dù không đeo khẩu trang nhưng vẫn thoải mái trao đổi với người bệnh.

Chưa dừng ở đây, một nữ nhân viên ngồi tại phòng thu viện phí cũng không đeo khẩu trang.

Tại BV FV (quận 7), nhân viên giữ xe cũng không mang khẩu trang. Bước vào khu vực bên trong, PV ghi nhận không ít bệnh nhân và cả nhân viên bán thức ăn chẳng đeo khẩu trang. Tại quầy dịch vụ nhập viện, PV “chụp” được hình ảnh một nam nhân viên thoải mái trao đổi với người nhà bệnh nhân trong tình trạng “không có khẩu trang che miệng”.

Cũng tại BV FV, điều đáng quan tâm là không ít người nước ngoài cũng không đeo khẩu trang. PV ghi được cảnh một người đàn ông nước ngoài không đeo khẩu trang, ôm túi xách đi thẳng vào phòng tiếp nhận bệnh nhân.

Nhân viên BV quận 4 không đeo khẩu trang khi bán thuốc cho người bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhân viên BV quận 4 không đeo khẩu trang khi bán thuốc cho người bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhân viên thu viện phí của BV đa khoa khu vực Hóc Môn “nói không” với khẩu trang. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhân viên thu viện phí của BV đa khoa khu vực Hóc Môn “nói không” với khẩu trang.
Ảnh: TRẦN NGỌC

Một phụ nữ tầm 46 tuổi phàn nàn với PV: “Dịch COVID-19 đang có chiều hướng quay lại. BV phải là nơi quan tâm tới hoạt động phòng ngừa dịch. Đằng này, nhiều người không đeo khẩu trang nhưng chẳng thấy BV này nhắc nhở”.

BS Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12 (TP.HCM), cho biết hiện các trạm y tế vẫn tiếp nhận thông tin khai báo mắc COVID-19 để quản lý và cấp giấy hoàn thành cách ly.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng người nhiễm COVID-19 không khai báo, không tự cách ly tại nhà. Nếu điều này xảy ra, trạm y tế không thể biết để quản lý nhằm tránh lây lan.

Vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng việc bùng phát dịch COVID-19 tùy thuộc vào tỉ lệ tiêm chủng của người dân. Ở Việt Nam, tỉ lệ tiêm chủng của người dân tương đối cao nên tỉ lệ bệnh có khả năng thấp hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, mức độ bùng phát dịch sẽ thay đổi tùy theo tỉ lệ tiêm chủng, nếu người dân tích cực tiêm chủng thì tỉ lệ sẽ được kéo giảm xuống nữa.

Tiếc là nhiều người dân, thậm chí có cả nhân viên y tế còn chưa tiêm chủng đầy đủ. Nếu đối tượng người cao tuổi hoặc có bệnh nền thì khi mắc bệnh mà chưa tiêm chủng sẽ mắc bệnh nặng. 90% các nghiên cứu vaccine có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm đặc biệt trên người cao tuổi.

Ngoài ra, hiện tồn tại suy nghĩ từng mắc COVID-19 và có triệu chứng nhẹ thì mắc lại cũng không nặng. Đây là quan niệm sai lầm.

Dứt khoát không để dịch bùng phát trở lại

Dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh, không say sưa, ngủ quên với những kết quả đã đạt được. Phải tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống dịch trên cơ sở nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng về các phần việc được phân công, theo Nghị định 39/2022/NĐ-CP về quy chế làm việc của Chính phủ vừa được ban hành.

Dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại, cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân; trong tháng 8 phải hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi 2 cho trẻ từ năm tuổi đến dưới 12 tuổi; bảo đảm đủ vaccine, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh. Lưu ý, Hà Nội và TP.HCM cần đặc biệt chú ý việc thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ từ năm tuổi đến dưới 12 tuổi, do số học sinh nhiều, không gian học tập tại trường hạn chế hơn các địa phương khác, nếu các cháu mắc bệnh thì cha mẹ cũng phải nghỉ làm để
chăm sóc.

Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine và phòng chống dịch; tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

Trước đây, những người này mới tiêm ngừa được 2-3 tháng thì mắc bệnh, lúc đó kháng thể vẫn còn nên nếu có mắc bệnh cũng nhẹ, giờ ỷ y không tiêm lại, kháng thể sẽ xuống dần, nếu mắc bệnh thì với biến chủng mới và sức khỏe của cơ thể khác trước thì sẽ không giống lần trước. Mặc dù lần mắc COVID-19 thường là bệnh nhẹ hơn nhưng cũng chưa chắc chắn tất cả sẽ nhẹ hơn. Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cũng giúp kháng thể trung hòa virus, giảm số virus nhân lên khiến bệnh sẽ nhẹ hơn hoặc ít lây bệnh cho người khác hơn.

Do đó, những người trẻ tuổi cũng nên tiêm nhắc lại vaccine (mũi 3). Còn các đối tượng như người có bệnh nền và người cao tuổi, gia đình có nhân viên y tế nên tiêm nhắc lại vaccine mũi 3 và mũi 4 để tăng kháng thể bảo vệ và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

“Về biện pháp bảo vệ trước COVID-19, bên cạnh việc tiêm vaccine, không có gì khác biệt, lý tưởng nhất vẫn là thực hiện theo nguyên tắc 5K, còn không thì ít nhất là 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn. Hiện tại, người dân đang có biểu hiện chủ quan và lơ là với 2K nên có khả năng dịch sẽ dễ lây lan hơn là điều chắc chắn” - PGS-TS Đỗ Văn Dũng cảnh báo.

Trong khi đó, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, nhân định: Tại Việt Nam, đợt dịch cao trào rơi vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm ngoái và đến tháng 11, số ca mắc tích lũy rất nhiều. Đến tháng 2-2022, nước ta cơ bản phủ tiêm ngừa vaccine và tiếp tục tiêm mũi 3, cùng với số người đã nhiễm bệnh sẽ có trên 75% người có kháng thể, tạo nên miễn dịch cộng đồng khá tốt. Do đó, số ca nhiễm bệnh đã giảm đi.

Tuy nhiên, hiệu quả vaccine và người từng mắc bệnh có kháng thể bảo vệ được khoảng sáu tháng, do vậy từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, miễn dịch cộng đồng vẫn còn khá tốt. Sau đó, khả năng miễn dịch sẽ giảm đi, cùng với việc biến chủng mới có khả năng né tránh các loại kháng thể của vaccine; kháng thể của người nhiễm bệnh lần trước giảm nhiều; người dân đang không ủng hộ tiêm ngừa thêm nữa và mọi sinh hoạt đã dần trở lại bình thường, mỗi cá nhân không còn ý thức phòng tránh dịch sẽ dẫn đến khả năng mắc bệnh cao hơn.

Tiên lượng tháng 9, tháng 10 năm nay khả năng sẽ có đợt nhiễm bệnh cao trở lại, thực tế lượng bệnh trên toàn quốc cũng đang gia tăng. Vì vậy, việc tiêm vaccine cần được tiếp tục, ưu tiên cho nhân viên y tế, người có bệnh nền, trẻ em, người cao tuổi.•

Không chủ quan, để tái diễn bi kịch cũ

Đại dịch đã qua, giai đoạn khó khăn nhất đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam cũng đã tạm trôi qua, thay vào đó là việc dần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu lơ là, chủ quan, cơn “đại hồng thủy” dịch bệnh có thể sẽ trở lại và cuốn trôi tất cả thành quả mà chúng ta đã nỗ lực có được lâu nay.

Tại cuộc họp gần nhất của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cảnh báo về dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại đã được nhấn mạnh và chú ý.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch COVID-19 vẫn là đại dịch toàn cầu và các nước được khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm vaccine. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này, bởi khi các quốc gia đồng loạt mở cửa cho các hoạt động giao thương, du lịch, kết nối… thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi.

Đã có giai đoạn người người tuân thủ 5K rất hiệu quả mà nhờ đó (cùng với vaccine) Việt Nam từng bước vượt qua đại dịch, từ vị trí áp chót vươn lên vị trí gần đầu bảng xếp hạng về chống dịch COVID-19 của Nikkei Asia. Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, hạn chế đưa tay tiếp xúc lên mắt, mũi, miệng… là rất cần thiết để hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh; và các giải pháp này cần được duy trì để kéo giảm hết mức khả năng lây nhiễm, tăng số ca trong cộng đồng.

Cần lưu ý rằng dù hiện nay không nhiều người để ý đến số ca nhiễm và các chính sách phòng chống dịch thường chỉ tập trung vào ca nhập viện, trở nặng và tử vong nhưng nếu thực tế số ca nhiễm tăng mạnh, cùng với tỉ lệ tiêm vaccine mũi tăng cường thấp thì làn sóng đại dịch hoàn toàn có thể xuất hiện, hệ thống y tế sẽ quá tải và các kịch bản tồi tệ về thiệt hại sức khỏe, tính mạng có thể xảy ra.

Nói cách khác, số ca nhiễm càng tăng thì áp lực lên hệ thống y tế càng cao, trừ khi người dân chủ động, tự giác tiêm vaccine đầy đủ và thực hiện tốt các biện pháp đeo khẩu trang, sát khuẩn và khai báo y tế, tự cách ly ở nhà nếu không may nhiễm bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhấn mạnh quan điểm kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Quyết tâm nói trên sẽ phụ thuộc một phần vào việc vận hành linh hoạt và hiệu quả cơ chế “bình thường mới”, bao gồm các kịch bản từ nhẹ nhàng đến căng thẳng. Tuy nhiên, dù cơ chế ưu việt đến mấy nhưng sự tự giác, chủ động, không chủ quan của người dân chưa hiệu quả thì việc chống dịch sẽ khó (nếu không muốn nói là không thể) đạt hiệu quả.

Chúng ta đã trải qua những ngày thương tâm, đau đớn và mất mát rất lớn vì dịch COVID-19. Tuyệt đối không vì sự chủ quan mà để tái diễn bi kịch cũ.

ĐẠI THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.