Vào đầu tháng 3 hằng năm, TP.HCM và các tỉnh phía Nam bắt đầu nắng nóng gay gắt, khi đó nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, kèm theo hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt. Vậy làm thế nào để sử dụng điện hiệu quả trong mùa nắng nóng mà không phải toát mồ hôi với hóa đơn tiền điện? Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), về vấn đề này.
Dự kiến hóa đơn tiền điện tăng trên 30%
. Phóng viên: Thưa ông, nhu cầu sử dụng điện của người dân TP.HCM trong tháng 3-2024 có sự thay đổi ra sao khi bắt đầu bước vào mùa nắng nóng gay gắt?
+ Ông Bùi Trung Kiên: Trong hai tháng đầu năm, tỉ lệ tăng trưởng của ngành điện TP.HCM là 9,3%, riêng khách hàng hộ gia đình tăng 11,7%. Từ việc tăng trưởng này, chúng tôi đã đo đếm được tỉ lệ khách hàng sử dụng điện ở bậc giá cao (từ bậc 5-6) tăng so với bình quân 2%.
Từ đầu tháng 3, EVNHCMC đã có dự báo trong tháng nhiệt độ sẽ tăng cao, bình quân nhiệt độ 3 rơi vào khoảng 36,8 độ C. Qua thống kê của EVNHCMC cho thấy tỉ lệ khách hàng sử dụng từ bậc thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30%, trong khi đó những tháng trước chỉ có khoảng 20% trong tổng số hơn 2,6 triệu khách hàng ở TP. Khi bậc 5 và bậc 6 tăng tỉ lệ cao, lượng sử dụng điện tăng sẽ dẫn đến hóa đơn tiền điện cao hơn. Ví dụ, nếu trung bình tiền điện sử dụng những tháng trước khoảng 1,7-1,8 triệu đồng thì hóa đơn tiền điện các tháng tiếp theo sẽ tăng khoảng 30%.
Dự kiến tháng 4, nền nhiệt vẫn tiếp tục tăng cao và cao hơn tháng 3. Vì vậy, EVNHCMC khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để khi nhận hóa đơn tiền điện không bị bất ngờ.
. Ngành điện vẫn thường kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vậy theo ông làm thế nào có thể sử dụng vừa tiết kiệm và hiệu quả?
+ Tiết kiệm điện không phải không sử dụng mà cần sử dụng hiệu quả. Nghĩa là lượng điện mà khách hàng sử dụng không thay đổi nhưng có thể phân bố theo từng giờ, vào từng thời điểm. Khi đó, lượng điện tiêu thụ sẽ đảm bảo tiết kiệm. Ví dụ, khi chúng ta sản xuất một sản phẩm có thể đưa ra giải pháp như hạn chế một số vị trí hoặc chuyển đổi qua giờ thấp điểm sẽ mang lại hiệu quả cho chính doanh nghiệp đó (giờ thấp điểm giá điện sẽ thấp hơn).
Hoặc trong mùa nắng nóng, hệ thống máy lạnh sẽ được sử dụng nhiều nhất, đây là thiết bị tiêu tốn lượng điện lớn nên khách hàng cũng cần vệ sinh máy lạnh sạch sẽ, mỗi lần vệ sinh máy lạnh tiền điện có thể sẽ giảm được khoảng 20%-30% so với việc không vệ sinh.
Đối với hộ gia đình, chúng ta chỉ cần áp dụng một số hành động nhỏ như ra khỏi phòng thì tắt đèn, tắt quạt. Quan điểm của chúng tôi là mọi người sử dụng điện tiết kiệm nhưng mang lại hiệu quả.
Tiết kiệm điện từ cá nhân đến tổ chức đoàn thể
. Vậy giải pháp nào tiết kiệm điện trong thời gian tới, thưa ông?
+ Chúng tôi đã phân ra rất nhiều đối tượng khách hàng để truyền thông. Đối với những hộ gia đình cần sử dụng các thiết bị dán nhãn năng lượng, sử dụng máy lạnh cần vệ sinh, ra khỏi nhà cần tắt thiết bị điện…
Đối với tòa nhà văn phòng cũng cần tắt các thiết bị điện không cần thiết. Các giải pháp tiết kiệm điện sẽ được ngành điện phối hợp với địa phương làm thường xuyên, liên tục, duy trì và đưa thành thói quen.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 20 về tiết kiệm điện, trong đó tại TP.HCM, Sở Công Thương sẽ là đơn vị chủ trì kết hợp với EVNHCMC. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20, tiết giảm 10% so với cùng kỳ.
Chúng tôi đã làm việc với các địa phương, kiểm tra công tác tiết kiệm điện ở các trụ sở, các nơi chiếu sáng công cộng, quảng cáo. Trong mùa khô, EVNHCMC đã phối hợp với bên chiếu sáng mở điện trễ hơn 30 phút và tắt sớm hơn 30 phút. Dự kiến chúng tôi sẽ tăng lên 1 giờ đồng hồ, như vậy sẽ tiết kiệm tiền điện 30%-50%.
Đối với các đơn vị quảng cáo, EVNHCMC cũng đã làm việc và yêu cầu tắt điện ở biển quảng cáo sau 22 giờ.
. Xin cảm ơn ông.•
Lưu ý cách sử dụng máy lạnh
Theo TS Nguyễn Công Tráng, giảng viên khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mùa nắng nóng, các thiết bị làm mát gia tăng cả về số lượng và thời gian sử dụng trong ngày. Trong đó có ba thiết bị có công suất lớn như hệ thống máy lạnh (chiếm hơn 60% tiền điện), quạt và quạt hơi nước.
Để tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng, giải pháp đặt ra là cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và hợp lý. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý cách sử dụng hệ thống máy lạnh. Cụ thể, người dân chọn máy lạnh có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ví dụ, phòng ngủ của hộ gia đình có diện tích 10-15 m2 thì sử dụng máy lạnh 1 ngựa, diện tích 30-37 m2 nên sử dụng máy lạnh 2 ngựa.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng nên sử dụng máy lạnh có công nghệ tiết kiệm điện, dán nhãn tiết kiệm điện 5 sao, gắn máy lạnh đúng kỹ thuật. Trường hợp không sử dụng máy lạnh nên tắt nguồn điện. Khi ra khỏi phòng chỉ khoảng 30 phút thì không nên tắt máy bởi khi khởi động lại máy sẽ tiêu hao năng lượng điện nhiều hơn.
“Trường hợp sử dụng máy lạnh thường xuyên cần vệ sinh định kỳ ba tháng/lần. Việc vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy. Nhiệt độ máy lạnh luôn để ở mức 26 độ C trở lên, nếu cài nền nhiệt quá thấp sẽ gây tiêu hao điện quá lớn” - TS Nguyễn Công Tráng nói.