Để kinh tế bật lên cuối 2023: Kích cầu cần đúng, trúng

(PLO)- Các doanh nghiệp cần “nhạc trưởng” là các bộ, ngành định hướng, dẫn dắt về nhu cầu thị trường nhằm tạo sức bật trong sáu tháng cuối năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2023 được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng lẫn tài khóa để kích cầu thị trường.

GS-TS Hoàng Văn Cường.

GS-TS Hoàng Văn Cường.

GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Hạ lãi suất phải đi vào đúng khu vực

Nguồn lực đầu vào sản xuất trong sáu tháng đầu năm 2023 tốt hơn rất nhiều so với năm 2022 nhưng kinh tế không tăng trưởng được chỉ vì vấn đề mất cân đối tổng cầu. Điều này cho thấy vấn đề tái cấu trúc không chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất mà còn là tổng cầu.

Bốn yếu tố quyết định tổng cầu thì ba yếu tố trong nước đều có sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, cầu của Chính phủ đã tăng 38% thông qua tổng vốn đầu tư tăng thêm, hay tốc độ giải ngân vốn đầu tư dù chậm nhưng vẫn tăng so với năm 2022 khoảng 15%.

Cầu về tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp (DN) cũng tốt. Do Chính phủ đã tạo điều kiện mở nhiều nguồn lực, ngân hàng đã rất tích cực khi bốn lần giảm lãi suất, nguồn vốn dành cho DN không thiếu, thậm chí dư thừa. Tuy nhiên, DN rất sẵn sàng đầu tư thì lại không đầu tư được.

Chúng ta thấy ba khu vực cầu trong nước luôn sẵn sàng nhưng không phát huy tác dụng. Chỉ duy nhất vấn đề thứ tư là cầu liên quan đến xuất nhập khẩu suy giảm, ngay lập tức kéo luôn ba khu vực trên bị đình trệ. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta phải xem lại việc tái cấu trúc nền kinh tế, mà có lẽ bị phụ thuộc quá lớn các yếu tố bên ngoài chi phối.

Để tác động đến kích cầu cần đến chính sách tài chính tiền tệ nhưng phải thực hiện chính sách này một cách linh hoạt vì còn nhiều rủi ro. Cạnh đó, việc sử dụng hỗ trợ chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất là cần nhưng phải đi vào đúng khu vực để tránh tình trạng vấn đề bong bóng tài sản.

Cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính toán tái cấu trúc đầu tư công để thực sự hiệu quả. Điều này không chỉ dừng lại ở việc phân bổ vốn đầu tư trung ương với đầu tư địa phương để tập trung nguồn vốn đầu tư, mà có lẽ phải nghĩ đến chính sách tài khóa của Chính phủ hỗ trợ việc tái cấu trúc nền kinh tế, tổng cầu và cung để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn.

Theo chuyên gia, ngành chức năng cần có nghiên cứu, khảo sát thực tế để định hướng lại thị trường cho doanh nghiệp. Ảnh: P.MINH
Theo chuyên gia, ngành chức năng cần có nghiên cứu, khảo sát thực tế để định hướng lại thị trường cho doanh nghiệp. Ảnh: P.MINH

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Để tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng kinh tế phải tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh. Nếu nhìn về những hành động của Chính phủ và các bộ, ngành thì thấy đang thực thi rất mạnh mẽ trong vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh.

Thế nhưng ngược lại, DN cảm nhận tình hình không được cải thiện mà lại bị giảm đi. Như khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy cảm nhận về cải cách môi trường kinh doanh của DN đang giảm xuống. Điều này cho thấy chúng ta có làm nhưng đã làm phù hợp chưa?

Ông Phan Đức Hiếu.

Ông Phan Đức Hiếu.

Lúc này Chính phủ nên tập trung vào kiểm soát các quy định tạo thêm gánh nặng về mặt chi phí. Điển hình như quy định định mức tái chế không chỉ tạo ra thủ tục, mà nếu DN không thể tự tái chế bao bì thì họ phải nộp một khoản kinh phí sẽ được tính toán bằng tiền hằng năm cho một quỹ bảo vệ môi trường để thực hiện định mức tái chế. Kinh phí đó là rất lớn với những DN mà có thể lên đến con số hàng tỉ đồng.

Điều này đặt ra vấn đề khi ban hành các quy định, cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán liệu đây có phải là phương án tốt nhất cho DN chưa. Chính phủ nên suy nghĩ cơ chế để hỗ trợ DN trong việc tuân thủ các quy định đó. Đây là cách hỗ trợ thiết thực nhất.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:

Cần “nhạc trưởng” định hướng thị trường

Trước hết phải nói về lãi suất, ngân hàng đã hạ mặt bằng lãi suất nhưng chưa đủ. Thu nhập của người dân không tăng, thậm chí giảm thì lãi suất có hạ, họ cũng đâu có nhu cầu đi vay để đầu tư, tiêu xài…

Để tăng trưởng thì phải cần kinh tế quốc tế, trong khi xuất nhập khẩu hiện nay đều khó khăn, đơn hàng xuất sang các thị trường lớn đều giảm sút. Còn nhập khẩu thì giá cao, chi phí tăng. Như vậy, lãi suất có hạ thì DN cũng không vay.

Nửa cuối năm 2023, bức tranh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Để có thể duy trì đà khôi phục nhất định và tiến gần đến con số mục tiêu đề ra thì cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng, nỗ lực thu hút và giải ngân FDI (vốn đầu tư nước ngoài), thúc đẩy giải ngân đầu tư công…

TS Lê Bá Chí Nhân.

TS Lê Bá Chí Nhân.

Các bộ, ngành phải có giải pháp kích cầu tiêu dùng đúng, trúng chứ không làm chung chung. Cụ thể như thị trường nội địa, để kích cầu thì các bộ, ngành cần xem mặt hàng sẽ có sức mua lớn, tiêu dùng hằng ngày, mặt hàng nào dài hơi để có chính sách phù hợp.

Theo tôi, các bộ, ngành như Bộ Công Thương cần có nghiên cứu, khảo sát thực tế các thị trường trong nước, xuất khẩu để định hướng lại thị trường cho DN. DN cần thêm nhiều thông tin, cần “nhạc trưởng” dẫn dắt để DN nắm bắt, lên phương án sản xuất sản phẩm nào và đi vào thị trường nào có hiệu quả, nôm na là có hợp đồng ngay.

Về phía DN, thị trường nửa cuối năm sẽ có nhiều cơ hội nhưng để “tự cứu” thì bản thân DN cần lên kế hoạch ngay từ lúc này.

Chẳng hạn đối với hàng tiêu dùng, nhu cầu lễ, tết cuối năm, DN đánh giá lại thị trường, xem xét mặt hàng nào thực tế nhất, phù hợp với người tiêu dùng từ giá cả đến tính thực dụng. Đối với lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng…, DN cần cơ cấu lại sản phẩm, không đầu tư dàn trải, cần đào tạo lại đội ngũ nhân viên.

Để đạt tăng trưởng GDP cả năm 6%-6,5% trong năm 2023, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các tỉnh, thành tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra hai kịch bản.

Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, chỉ tiêu tăng trưởng quý III phải đạt 6,8% và quý IV đạt 9%. Tính chung sáu tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5% thì mức tăng trưởng quý III phải đạt 7,4% và quý IV đạt 10,3%. Tính chung sáu tháng cuối năm, tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Ông Nguyễn Phước Hưng.

Ông Nguyễn Phước Hưng.

Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

Hỗ trợ kinh phí cho DN tìm lại đơn hàng

Nửa cuối năm dự báo nhu cầu thị trường sẽ khả quan hơn nhưng hiện “sức khỏe” nhiều DN suy kiệt, rất cần được tiếp sức. Như vấn đề lớn nhất được DN quan tâm hiện nay là vốn, dù các ngân hàng đã có điều chỉnh giảm nhưng lãi suất vay ngân hàng hầu hết vẫn trên mức 10%/năm.

Do đó, DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tìm giải pháp giảm lãi suất vay về dưới 8% bằng cách giảm lãi suất huy động, giảm chi phí vay và khống chế tỉ suất lợi nhuận của ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần xem xét nâng tỉ lệ tài sản thế chấp sát thực tế, tăng tỉ lệ cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản, quyền tài sản hình thành trong tương lai… tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Liên quan đến thủ tục hành chính, nhiều DN đề xuất cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ ngay những thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế. Điển hình như giải quyết thủ tục cấp sổ hồng cho các DN đủ điều kiện sử dụng đất trong các khu công nghiệp để họ có thể thế chấp vay vốn kinh doanh; phê duyệt sớm kế hoạch sử dụng đất đai; tháo gỡ vướng mắc kiểm tra PCCC và đăng kiểm xe cơ giới để DN tập trung vào việc duy trì sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí cho DN tìm lại đơn hàng, tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại sang các thị trường mới, thị trường ngách, hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm