Đề nghị Chánh án tòa án tối cao là đối tượng cảnh vệ

Chiều 6-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh vệ. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cảnh vệ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày, một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao…. Điều này để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Có ý kiến thì đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh chính trị.

ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) phát biểu tại phiên họp chiều 6-6.

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời cần phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tổ chức cồng kềnh.

Thực tế cho thấy, các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị QH cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Theo Điều 10 của dự Luật quy định các đối tượng cảnh về gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nướ;  Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ,…

ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) cho rằng, tại kì họp thứ 2, khóa XIV có nhiều ĐB kiến nghị đưa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ. Nhiều cử tri đồng tình với kiến nghị này. Nhìn chung quy định đối tượng cảnh vệ như dự Luật là khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong xu hướng cải cách tư pháp với hội nhập quốc tế thì quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là đối tượng cảnh vệ hoàn toàn hợp lý.

Theo ĐB này, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp 2013 đã xác định rõ Tòa án Nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án bào vệ công lý, quyền con người , quyền công dân. Các quy định hiện hành cho thấy đã nâng vị thế của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Bí thư trung ướng Đảng và là một trong những lãnh đạo tuyên thệ trước QH, trước Hiến pháp.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên họp QH chiều 6-6.

“Việc đưa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là đối tượng cảnh vệ cũng ghi nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vị thế của ngành tòa án. Chánh án tòa án tối cao cũng là Bí thư trung ương Đảng nên việc đưa Chánh án vào đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ không làm tăng biên chế cảnh vệ”- ĐB này nói

Đồng quan điểm với ĐB Thúy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng việc đưa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là đối tượng cảnh vệ là phù hợp. “Qua nghiên cứu các quy định về tòa án, tôi đề nghị QH đồng ý đưa chức danh Chánh án là chức danh được cảnh vệ. Điều này đảm bảo được vị trí, yêu cầu của ngành tòa án.

Chúng ta quy định rất rõ tam quyền trong hiến pháp là lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng có một số cán bộ ngành tòa án có gọi điện cho tôi chia sẻ tâm tư, băn khoăn, dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đến ngành tòa án nhưng họ có cảm giác bị lép vế”-  ĐB đến từ Bến Tre chia sẻ.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Chánh án là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan tư pháp nhưng giả sử Chánh án mà không phải Bí thư trung ương Đảng thì lại không được cảnh vệ, không tương xứng với các chức danh khác. “Một người đứng đầu cơ quan tư pháp của nhà nước pháp quyền mà không bằng cấp phó (Phó Thủ tướng) của cơ quan hành pháp. Điều đó không tương xứng với vị trí của ngành tòa án”- ĐB Nhưỡng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm