Sáng 27-4, ông Lê Văn Thương (sinh năm 1984, cư ngụ huyện Đức Hòa, Long An) cho biết đã gửi đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại cơ sở pháp lý của việc đình chỉ đối với ông. Ông Thương cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền phải đình chỉ đối với ông vì ông không phạm tội.
Căn cứ đình chỉ không đúng quy định pháp luật
Ông Thương là nhân vật mà Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài báo phản ánh việc Công an huyện Bình Chánh đình chỉ đối với ông theo khoản 1 Điều 25 BLHS (cũ) là không đúng quy định pháp luật.
Ngày 9-5-2014, ông Thương bị bắt khi đang vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng chỉ đáng xử phạt hành chính. Do từng bị UBND TP.HCM xử phạt hành chính về hành vi này nên ông bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố về tội vận chuyển hàng cấm (khoản 1 Điều 155 BLHS). Khi VKS huyện chuyển hồ sơ truy tố sang tòa, ông Thương khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM hủy quyết định xử phạt hành chính trước đó của UBND TP.
Ngày 25-8-2016, UBND TP.HCM đã hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đối với ông, đồng nghĩa với hành vi của ông không cấu thành tội phạm do không còn yếu tố “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”. Sau đó, Công an huyện Bình Chánh đã miễn trách nhiệm hình sự cho ông theo khoản 1 Điều 25 BLHS (cũ) với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” với lập luận: Có sự mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư 2015 với TTLT 36/2012, Nghị định 124/2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 185/2013).
Việc giải quyết khiếu nại của ông Thương đúng pháp luật sẽ giữ được lòng tin của nhân dân đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các bài báo trên Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia cho rằng việc miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Thương là không đúng pháp luật.
Ngày 12-12-2016, ông Thương gửi đơn khiếu nại đến Công an và VKSVD huyện Bình Chánh.
Theo ông Thương, thời gian sau đó ông liên tục liên hệ để nhận kết quả giải quyết khiếu nại nhưng đều được trả lời đợi. Mãi đến cuối tháng 3-2018 khi ông tiếp tục liên hệ Công an huyện Bình Chánh thì được trả lời đã có quyết định giải quyết khiếu nại đầu năm 2017 và được gửi về nơi ông cư trú với nội dung giữ nguyên quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông.
Đình chỉ không tội là thượng tôn pháp luật
Các chuyên gia từng phân tích trên Pháp Luật TP.HCM rằng việc đình chỉ điều tra với ông Thương căn cứ theo khoản 1 Điều 25 là trái luật. Bởi lẽ việc đình chỉ theo căn cứ pháp lý này tức là miễn trách nhiệm hình sự. Miễn trách nhiệm hình sự chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội. Không thể miễn trách nhiệm hình sự với người không phạm tội hoặc không đủ căn cứ để xác định được hành vi của người đó là hành vi phạm tội. Đồng thời việc miễn trách nhiệm hình sự phải do chuyển biến của tình hình.
Thứ nhất, Hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm
Công an huyện Bình Chánh dựa vào việc ông Thương đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi này để xử lý hình sự ông là chưa có cơ sở và vội vàng. Vì thời điểm xảy ra hành vi, vẫn còn trong thời hiệu và trước đó ông đã khởi kiện quyết định hành chính này. Sau đó quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã bị hủy bỏ. Do vậy ông Thương được xác định chưa bị xử phạt phạm hành chính về hành vi này trước đó nên không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với hành vi của ông Thương.
Thứ hai: Không có chuyển biến tình hình theo hướng hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Cụ thể: Không có sự mâu thuẫn giữa TTLT 36/2012 và Nghị định 185/2013 với Luật Đầu tư 2014. Cụ thể: Luật Đầu tư 2014 quy định Kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ là “luật hóa nghị định”. Bởi trước đó Nghị định 63/2013 cũng đã quy định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó các văn bản gồm TTLT 36/2012, Nghị định số 124/2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 185/2013) không hề có sự mâu thuẫn với Luật Đầu tư 2014. Đồng thời các văn bản này cho đến nay vẫn đang có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, có sự thống nhất giữa TTLT 36/2012 với Nghị định 185/2013 bởi cả hai văn bản này đều quy định thống nhất về mặt định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự khi quy định “số lượng lớn” là từ 1.500 bao trở lên.
Thứ ba: Chuyển biến tình hình theo hướng quy định hành vi này nguy hiểm hơn cho xã hội so với quy định trước đó.
Nghị định 124/2015 được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 185/2013. Nghị định 124/2015 sửa đổi bổ sung Điều 25 Nghị định 185/2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, định lượng để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm từ 1.500 bao xuống còn từ 500 bao. Do đó đối với loại hành vi này không những không giảm hoặc không còn nguy hiểm cho xã hội mà còn tăng mạnh tính nguy hiểm cho xã hội.
Từ đó, các chuyên gia đề nghị cần phải áp dụng điểm a khoản 2 Điều 164 trên cơ sở khoản 2 Điều 107 Bộ luật TTHS (cũ). Bởi hành vi của ông Thương không cấu thành tội phạm theo Điều 155 BLHS.
“Việc cơ quan thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông Thương đúng quy định pháp luật sẽ giúp đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Đặc biệt, với việc thượng tôn pháp luật này, các cơ quan tố tụng sẽ giữ được lòng tin của nhân dân đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước” - các chuyên gia nhận định.