Cơ quan tố tụng Bình Chánh phải bồi thường oan

Trên số báo hôm qua (4-10), chúng tôi đã thông tin về vụ án oan ở Bình Chánh, TP.HCM. Ông Lê Văn Thương bị bắt khi đang vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng chỉ đáng phạt hành chính. Công an phát hiện ông này từng bị xử phạt hành chính về hành vi này nên cho rằng đủ điều kiện để xử lý hình sự tội vận chuyển hàng cấm theo khoản 1 Điều 155 BLHS.

Khi VKS chuyển hồ sơ truy tố sang tòa, ông Thương bèn khởi kiện hành chính chủ tịch UBND TP, yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định xử phạt hành chính. Sau đó, phó chủ tịch UBND TP đã ra quyết định hủy quyết định xử phạt ông Thương. Điều này đồng nghĩa với hành vi vi phạm của ông Thương không cấu thành tội phạm…

Vấn đề đặt ra là trong vụ này, cơ quan tố tụng không có lỗi trong việc làm oan ông Thương, vậy ông Thương có được bồi thường oan hay không? Nhiều ý kiến cho rằng trường hợp này cơ quan tố tụng vẫn phải xin lỗi, bồi thường oan.

Lê Văn Thương với công việc mới là tài xế xe tải cho một công ty ở Long An. Sau khi Thương bị bắt, vợ đòi ly hôn rồi ra đi, để lại hai con cho Thương nuôi. Ảnh: PL

ThS ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao:

Ông Thương vẫn được bồi thường oan

Ở đây, quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính của UBND TP.HCM đối với ông Lê Văn Thương đã phát sinh một sự kiện pháp lý mới làm cho các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Công an huyện Bình Chánh cũng như cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh đã rơi vào thế việt vị.

Nếu TAND huyện Bình Chánh biết được UBND TP hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đối với ông Thương khi xét xử sơ thẩm thì tòa phải tuyên ông Thương không phạm tội, vì hành vi không cấu thành tội phạm. Còn nếu tòa trả hồ sơ cho VKS thì chắc chắn ông Thương sẽ được đình chỉ. Lý do đình chỉ này không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 BLHS, vì hành vi của ông Thương không cấu thành tội phạm.

Nếu xét về lỗi gây oan cho ông Thương thì cả CQĐT và VKSND huyện Bình Chánh đều không có lỗi, vì khi khởi tố cũng như khi ban hành cáo trạng thì quyết định xử phạt hành chính đối với ông Thương vẫn còn hiệu lực. Chỉ khi UBND TP hủy bỏ quyết định xử phạt đối với ông Thương thì hành vi của ông mới không còn là hành vi phạm tội nữa.

Như vậy, trong trường hợp này chẳng ai có lỗi trong việc làm oan ông Thương cả. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì dù không có lỗi trong quá trình hoạt động tố tụng nhưng nếu làm oan người vô tội thì cơ quan làm oan vẫn phải xin lỗi và bồi thường cho người bị oan.

Có ý kiến cho rằng quyết định xử phạt hành chính của UBND TP đối với ông Thương được coi là văn bản quy phạm pháp luật nên trường hợp này áp khoản 5 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì ông Thương không được bồi thường. Tuy nhiên, ý kiến này là không chuẩn xác, vì đối chiếu với Điều 2 và Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì quyết định xử phạt hành chính (của chủ tịch UBND TP) không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Tóm lại, trường hợp này cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh phải xin lỗi, bồi thường oan cho ông Thương.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM:

Cán bộ tố tụng không phải bồi hoàn

Trường hợp ông Thương, nếu VKS đình chỉ thì căn cứ vào Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Thương được bồi thường. Căn cứ Điều 31 luật này thì trách nhiệm bồi thường thuộc VKS. Ông Thương cũng không rơi vào những trường hợp không được bồi thường theo Điều 27 luật này.

VKS phê chuẩn khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Thương căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thương trước đó. Tuy nhiên, đến nay UBND TP.HCM đã hủy quyết định xử phạt hành chính, tức việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông là không đúng bởi yếu tố “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” đã không còn. Việc hành vi của ông Thương không cấu thành tội phạm là đã rõ, không có gì phải bàn cãi. Do đó, VKS phải bồi thường cho ông Thương căn cứ vào phạm vi bồi thường tại Điều 26 luật này.

Trong vụ này tồn tại hai mối quan hệ cùng với hai loại trách nhiệm: a) Mối quan hệ Nhà nước - công dân: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân do làm oan; b) Mối quan hệ giữa người thi hành công vụ trực tiếp gây thiệt hại với Nhà nước: Trách nhiệm hoàn trả.

nếu nói về sai phạm thì rất khó để quy trách nhiệm cho cơ quan khởi tố, điều tra, truy tố. Bởi lẽ hành vi sai phạm và lỗi dẫn đến oan là do cơ quan hành chính (cơ quan xử phạt vi phạm hành chính) chứ không phải do cơ quan tố tụng. Do vậy nếu người thi hành công vụ không có lỗi trong việc làm oan thì căn cứ Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, họ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Tuy nhiên, Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường cho dân do làm oan là nguyên tắc bắt buộc trong nhà nước pháp quyền.

Tòa đã trả hồ sơ cho VKS

Ngày 4-10, báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh về vụ án này, trong đó có đề cập việc phó chủ tịch UBND TP.HCM đã hủy quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lê Văn Thương. Chiều cùng ngày, TAND huyện Bình Chánh đã trả hồ sơ vụ án Lê Văn Thương cho VKS. Theo tòa, việc UBND TP hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thương là chứng cứ, tình tiết mới của vụ án nên cần trả hồ sơ vụ án cho VKS.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm