Phát biểu tại Quốc hội chiều 4-11, ĐB Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết là người trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ lụt khủng khiếp vừa qua tại Quảng Trị, ông đã chứng kiến những mất mát, thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: QH
Tại Quảng Trị, đến nay đã có 52 người chết, hai người mất tích, 37 người bị thương, 281 nhà bị lũ cuốn trôi và cuốn sập và 107.019 hộ ngập lụt, nhiều điểm trường, cơ sở y tế, nhà văn hóa bị nước ngập trên 3 m; nhiều trang thiết bị bị hư hỏng hoàn toàn; hàng chục nghìn ha cây trồng (lúa, rau màu, ăn quả, cây lâu năm bị mất trắng,…); hàng chục nghìn gia súc, hàng trăm nghìn gia cầm vật nuôi thủy sản bị ngập, cuốn trôi...
Đại biểu Đồng cho biết người dân địa phương đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân cả nước để vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên để ổn định cuộc sống lâu dài thì nguồn lực địa phương không đủ để giải quyết.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công hai dự án, gồm: Di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) và Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, di dân khẩn cấp ổn định định canh định cư ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở xã Tà Rụt (huyện Đakrông), ổn định cuộc sống cho 295 hộ dân.
“Hiện tỉnh còn hai dự án được phê duyệt từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để đầu tư thực hiện. Cụ thể là: Dự án Khẩn cấp tránh lũ và chống sạt lở khu vực bờ sông Sa Lung, ổn định dân cư xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, với tổng mức đầu tư 137 tỉ đồng; và Dự án ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện Quảng Trị với mục tiêu ổn định 349 hộ vùng thủy lợi, thủy điện với kinh phí dự kiến đầu tư 120 tỉ đồng” – ĐB Đồng nói.
Bên cạnh đó, hậu quả đợt mưa lũ, sạt lở đất vừa qua đã khiến đường giao thông từ xã Hướng Phùng về xã Hướng Sơn (Hướng Hoá) vẫn bị chia cắt, chưa khắc phục được.
Đặc biệt nhân dân đã phát hiện trên núi có nhiều vết nứt với chiều dài từ 150- 200 m, độ rộng từ 40-50 cm, nguy cơ sạt lở rất cao, có khả năng ảnh hưởng đến 45 hộ, 171 nhân khẩu thôn Raly Rào, xã Hướng Sơn.
“Nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài thì sạt lở núi sẽ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn, tuy nhiên để ổn định đời sống lâu dài cho người dân thì cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tỉnh khảo sát, xây dựng dự án di dời dân tập trung” – ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, hiện Quảng Trị đã rà soát bổ sung số hộ cần di dời toàn tỉnh đến năm 2025 là 1.530 hộ (bình quân 280 hộ/năm). Tuy nhiên nguồn vốn bố trí của nhà nước hàng năm quá thấp (vốn sự nghiệp 5 năm 2016-2020 là 14 tỉ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỉ đồng/năm), chỉ đáp ứng 15%-20% so với nhu cầu thực tế.
Kết quả huy động nguồn lực khác tham gia vào chương trình ở một số nơi đã làm, song hầu hết các khu vực miền núi là các huyện nghèo, chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách đầu tư của Trung ương.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho các hộ di dời dù đã điều chỉnh ở mức cao hơn nhưng vẫn thấp (vùng đồng bằng 20 triệu đồng/hộ, vùng miền núi 30-35 triệu đồng/hộ); rồi vấn đề phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu cho người dân…
Bên cạnh hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ông Đồng đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ lịch sử vừa qua.
Ông Đồng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn nhằm phục vụ việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, kịp thời.
Cùng với đó là để nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai, giúp giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời; đầu tư trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn và hạ tầng các huyện xã vùng sâu, vùng xa…
“Cử tri rất đồng tình thời gian qua Chính phủ đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu. Tôi đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống” - ông Đồng nói.