Sáng 2-11, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội, nhiều ĐBQH đã dành thời lượng lớn để bàn về tình hình thiên tai và các giải pháp phòng chống trước mắt và dài hạn.
Nhiều ý kiến đã nêu về hậu quả kinh hoàng của đợt bão lũ, sạt lở đất gây ra tại miền Trung thời gian qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TP
Cần đánh giá thiệt hại, nguyên nhân sạt lở
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nói: Lũ lụt ở miền Trung vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều hình ảnh rất đau lòng. Người mất nhà, con mất cha, mất mẹ.. Vì vậy cần nghiêm túc đánh giá thiệt hại, truy tìm nguyên nhân để định hướng lại sự phát triển kinh tế theo cách ít tác động đến thiên nhiên nhất.
Cùng nội dung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là lũ lụt thiên tai. “Tôi đã trực tiếp các tỉnh trọng điểm của bão lũ như Quảng Bình, Bình Đình, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Chưa bao giờ nước ta bị thiên tai dồn dập như thế. Thiệt hại rất lớn làm giảm GDP, nông nghiệp chăn nuôi, gia súc, gia cầm, đời sống người dân bị tác động nghiêm trọng…” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho hay, hiện nay, hai tàu với 26 người mất tích trên vùng biển Bình Định mới tìm được 3 người. Bên cạnh đó các vụ sạt lở đất ở huyện Trà My (Quảng Nam), Hướng Hoá (Quảng Trị), Rào Trăng 3 (Huế) đã gây hậu quả nghiêm trọng, đến nay số người chưa tìm thấy là trên 50 người, rất đau xót...
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì dẫn số liệu từ đầu năm đến nay Việt Nam đã bị 9 cơn bão, hiện đang chuẩn bị ảnh hưởng của cơn thứ 10; có tới 263 trận giông lốc mưa lớn, 49/63 tỉnh thành phố đều bị thiên tai các loại, 15 trận lũ lớn sạt lở đất, 72 trận mưa lớn gây ngập úng lũ, 79 trận động đất…
“Tại ĐBSCL thì hạn hán, xâm nhập mặn. Quê tôi Bến Tre chưa bao giờ ngập mặn quá dài và sâu, trước vào ngập từ biển lên các nơi 40 km nhưng giờ hơn 100 km. Ảnh hưởng tới sản xuất cây trái ăn quả, đời sống của bà con. Rồi bờ sông thì sạt lở, sụt lún” - Bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội nói tiếp: Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ… Bây giờ bà con khổ lắm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi thảo luận về kế hoạch kinh tế xã hội, các ĐBQH cần bàn ngay các giải pháp khắc phục hậu quả, phòng chống thiên tai cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt là vấn đề hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ; phân bổ ngân sách, giành nhiều hơn ngân sách cho phòng chống thiên tai; lồng ghép phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai; nâng cao hiệu quả của công tác dự báo…
"Trước mắt Chính phủ tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men để dân không bị dịch bệnh, đói; Phải giúp đồng bào, khôi phục lại nhà cửa. Trước mắt trường học, trụ sở, nhà của dân phải làm cho sạch sẽ để trở lại cuộc sống, chưa bình thường được nhưng cũng phải giảm bớt khó khăn” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: TP
Phải có chương trình di dân khỏi vùng thiên tai
Trước diễn biến thất thường của tự nhiên, hậu quả thương tâm do thiên tai gây ra thời gian qua, các ĐBQH đề nghị cần có ngay giải pháp để huy động nguồn lực cả nước để ứng phó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết về khắc phục hậu quả trước mắt do thiên tai gây ra, Chính phủ đã có chương trình khắc phục quyết liệt, chỉ đạo cụ thể hơn, các tỉnh, thành uỷ đều ra nghị quyết chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện. Ông khẳng định Chính phủ sẽ có chính sách mạnh tay hơn trong việc hỗ trợ như hỗ trợ nhà ở, nhà sập, tìm người mất tích…
“Chúng tôi sẽ có chương trình báo cáo Quốc hội, ĐBQH, biện pháp khắc phục hậu quả lũ hụt ở miền Trung và đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để đề phòng bão số 10... Mưa khu vực ở Tây nguyên, miền Trung tiếp tục diễn ra, đề phòng sạt lở đất” - Thủ tướng nói.
Phân tích nguyên nhân sạt lở đất tại miền Trung thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người vào thiên nhiên. Đó là tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng…”.
Ông cũng khẳng định rõ phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ, để hạn chế việc phá rừng. Tuân thủ đúng Nghị quyết của Quốc hội là những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình Quốc hội…
“Như hôm nay, Chính phủ trình ra Quốc hội hai công trình hồ ở Ninh Thuận và ở Nghệ An chứng minh rằng, công trình đó lấy một ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn về công trình để giải quyết đời sống nước uống sinh hoạt ở khu vực đó. Chứng minh được thì Quốc hội mới thông qua. Còn các công trình thuỷ điện nhỏ tôi đồng ý với các đồng chí là nên rất hạn chế” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chính phủ cần rà soát, điều chỉnh lại kịch bản biến đổi khí hậu để chuẩn bị nguồn lực ứng phó.
“Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng Chính phủ phải chỉ đạo cho các cơ quan liên quan có trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 và trong 5 năm tới không thể không lồng ghép những nội dung vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa phòng chống thiên tai” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Không thể để tiếp tục có sạt lở, vùi lấp tiếp như thế Những khu dân cư, nơi mưa lũ có thể bị vùi lấp thì phải chủ động di dời ngay, không để hậu quả thương tâm do thiên tai tiếp tục xảy ra. Do đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tính tới yếu tố quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư khỏi nơi có nguy cơ lũ quét trong thời gian tới. Tại vụ sạt lở ở trạm kiểm lâm (Huế), đoàn công tác 11 giờ đêm đi tới đó, mệt quá mới dừng chân vì không còn đường để đi nữa. Những người sống sót kể, vừa dừng chân thì 12 giờ đêm, sau tiếng nổ lớn đất và bùn ập xuống vùi lấp cả trạm, trong đó có ĐBQH Nguyễn Văn Man. Bây giờ không thể để tiếp tục có sạt lở vùi lấp tiếp như thế. Đề nghị Quốc hội phải xem xét có chương trình di dân khỏi vùng thiên tai. Quốc hội phải thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai. Hàng năm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương phải chú ý ngân sách cho nhiệm vụ này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |