Trong tờ trình, Bộ GTVT đề nghị sửa Nghị định 171 theo trình tự rút gọn, tập trung vào việc xử phạt xe chở quá tải trọng. Nhưng thực tế dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 còn sửa nhiều quy định khác như bổ sung, tăng mức xử phạt đối với hành vi tự ý lắp thêm/tháo bớt ghế, giường nằm trên xe khách, chở quá số khách quy định…
Hội đồng thẩm định cho rằng nếu chỉnh sửa theo quy trình rút gọn thì chỉ nên tập trung vào nội dung xử phạt tải trọng xe. Còn nếu sửa theo trình tự thông thường thì phải sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt đối với những vấn đề nóng như xe khách giường nằm, đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi mô tô, xe máy.
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cho hay khi xây dựng Nghị định 171, Cục đã có hai công văn đề nghị Bộ GTVT chỉnh sửa quy định xử phạt đội MBH sao cho minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, cuối cùng ban soạn thảo vẫn không tiếp thu.
“Quy định xử phạt hành vi không đội MBH cho người đi mô tô, xe máy tại Nghị định 171 không rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau nên cuối cùng mới bị “bẻ” đi thành xử phạt MBH không bảo đảm chất lượng. Chứ nếu quy định thật rõ ràng thì làm sao “bẻ” được” - ông Sơn nói. Vì thế trong lần này Bộ GTVT cần sửa lại quy định trên cho rõ ràng hơn.
Ông Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế Bộ Công an, thì cho rằng cần nghiên cứu sửa chế tài liên quan đến xe khách giường nằm. Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cho hay việc xử lý xe giường nằm đang được xây dựng ở một văn bản khác nên không đưa vào dự thảo lần này.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, hội đồng thẩm định đề nghị Bộ GTVT cần sớm báo cáo để Thủ tướng xem xét quyết định có sửa Nghị định 171 theo trình tự rút gọn hay không.
T.VĂN - T.NGUYỆT
Ông Đỗ Văn Cương bày tỏ sự không đồng tình khi dự thảo sửa đổi theo hướng giảm mức phạt và tăng thời hạn tước giấy phép lái xe đối với các hành vi chở quá tải. “Tước giấy phép đồng nghĩa với việc không cho người ta lao động. Nếu người tài xế phải nuôi cả nhà, giờ tước giấy phép thì họ lấy gì nuôi con? Vì thế đề xuất nên tăng mức phạt và giảm thời hạn tước giấy phép lái xe một số hành vi” - ông Cương đề xuất. Ông Cương cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu lại quy định phạt cả chủ phương tiện và lái xe khi có hành vi vi phạm giao thông. “Quy định như thế có nghĩa nếu chủ phương tiện đồng thời là lái xe thì phạt một người. Còn chủ phương tiện không phải người lái xe thì một hành vi xử phạt hai người. Chủ phương tiện không gây ra hành vi thì sao lại phạt người ta?” - ông Cương nói. |