Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có công văn đề nghị trung ương hỗ trợ.
Theo đó, Thừa Thiên-Huế đề nghị hỗ trợ đầu tư trước mắt cho 20 km với khoảng 300 tỉ đồng để xây dựng công trình chống sạt lở một số đoạn bờ sông Bồ và một số đoạn qua sông Hương.
Hỗ trợ khoảng 1.000 tỉ đồng để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển tại các xã Phú Thuận, Vinh Hải và Quảng Công.
Đề nghị Bộ TN&MT quan tâm đầu tư ba hệ thống máy đo gió (tại Thuận An, Phú Lộc và trung tâm TP Huế). Theo đó, hiện nay chỉ có máy đo gió đặt ở Trạm Khí tượng Huế (xã Thủy Bằng) nằm sâu trong đất liền, chưa phản ánh đúng cấp độ gió khu vực ven biển và TP Huế.
Cây cối tại Huế bị gió giật đổ chỏng chơ khi áp thấp vào. Ảnh: NGUYỄN DO
Đồng thời Thừa Thiên-Huế cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ để tiếp tục đầu tư hoàn thành các dự án đầu tư dở dang 8,32 km; tiếp tục đầu tư 136,06 km đê còn lại và 137 cống trên đê chưa được đầu tư nâng cấp.
Đề nghị hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp 20 hồ chứa,\ với tổng kinh phí dự kiến 363 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn từ WB là 120 tỉ đồng, kinh phí còn lại là 243 tỉ đồng đề nghị Bộ tiếp tục bố trí để thực hiện. Nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải, Phú Thuận; cảng cá Thuận An, Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão với kinh phí 380 tỉ đồng.
Đề nghị tiếp tục đầu tư hồ Thủy Cam sau khi hoàn thành công trình hồ Thủy Yên nhằm đảm bảo cấp nước cho khu vực phía nam Phú Lộc và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Xây dựng mới hồ chứa nước Ô Lâu ở thượng nguồn sông Ô Lâu để giảm lũ và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Quan tâm đầu tư các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc La Sơn - Nam Đông; sớm triển khai dự án nâng cấp QL49B (đường ven biển); quan tâm chống sạt lở đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh.
Đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ tăng cường phương tiện phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đủ năng lực cho lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tỉnh và các ngành có liên quan, đặc biệt là cơ sở phường, xã nhằm chủ động ứng cứu tại chỗ khi bão lũ xảy ra.
Thống kê ban đầu về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra tại miền Trung: Nhà bị tốc mái: 962 nhà dân bị tốc mái Cụ thể, thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) có 11 nhà (Huế: một nhà, Quảng Trị: 10 nhà); thiệt hại nặng (30%-50%) có 392 nhà (Quảng Bình bảy nhà, Quảng Trị 55 nhà, Huế 330 nhà); thiệt hại một phần (dưới 30%) có 559 nhà (Quảng Bình 59 nhà, Quảng Trị 500 nhà). Nhà bị ngập nước: 72.506 nhà bị ngập Cụ thể, bị ngập dưới 1 m có 35.329 nhà (Quảng Bình 34.615 nhà, Quảng Trị 528 nhà, Huế 186 nhà); bị ngập nước 1-3 m có 35.826 nhà (Quảng Bình 35.339 nhà, Quảng Trị 427 nhà); bị ngập nước trên 3 m có 1.351 nhà (Quảng Bình 1.273 nhà, Quảng Trị 78 nhà). Về nông nghiệp: 1.108 ha hoa màu, rau màu bị thiệt hại, trong đó thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 1.010 ha (Quảng Bình 766 ha, Quảng Trị 244 ha); thiệt hại một phần (dưới 30%): 98 ha (Huế). Về gia súc bị chết, cuốn trôi: 141 con (Quảng Bình 108 con, Quảng Trị 33 con). Về gia cầm bị chết, cuốn trôi: 83.000 con (Quảng Bình: 73.000 con, Quảng Trị: 10.000 con). |