Đề nghị làm rõ trách nhiệm trong đợt xả lũ sông Ba Hạ

(PLO)- Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đợt xả lũ trên lưu vực sông Ba Hạ vào cuối tháng 11-2021.

Chiều 11-5, tiếp tục phiên họp thứ 11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: quochoi.vn

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: quochoi.vn

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ông Bình đánh giá nhìn chung các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Nội dung văn bản trả lời mang tính cầu thị, tập trung làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Chất lượng việc giải quyết, trả lời ngày càng được nâng cao.

Nhiều kiến nghị được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân...

Tuy nhiên, theo ông Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế.

Đáng chú ý, một số quyền lợi hợp pháp của người dân dù đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng.

Dẫn chứng, ông Bình cho biết cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex đã dừng bán bảo hiểm tàu cá cho các chủ tàu. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo để ngư dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá theo chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản .

Theo ông Bình, chỉ có bốn doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, gồm: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty bảo hiểm PVI.

Từ tháng 3-2020, bốn doanh nghiệp này đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo Nghị định 67. Đến tháng 4-2020, các doanh nghiệp này đã thông báo sẽ tạm dừng nhận bảo hiểm cho đến khi nhận được chấp thuận của Bộ Tài chính về các đề xuất nêu trên.

Tuy nhiên, khi trả lời cử tri, Bộ Tài chính cũng chưa đề cập đến việc giải quyết của Bộ để người dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá. Trong khi đó, Nghị định 67 được ban hành nhằm khuyến khích phát triển thủy sản để vừa ổn định đời sống, nâng cao thu nhập của ngư dân, vừa thực hiện mục tiêu bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nghị định quy định nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ…

“Bộ Tài chính được giao hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm nhưng Bộ chưa quan tâm giải quyết, bảo đảm quyền lợi được mua bảo hiểm của chủ tàu cá theo quy định của pháp luật”- ông Bình nhấn mạnh và kiến nghị Bộ này khẩn trương xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi cho người dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi về bảo hiểm tàu cá theo quy định tại Nghị định 67.

Trưởng ban Dân nguyện cũng cho rằng một số văn bản Bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết. Cụ thể, cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đợt xả lũ trên lưu vực sông Ba Hạ (Phú Yên) vào cuối tháng 11- 2021 gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trả lời cử tri, Bộ Công Thương chỉ nêu các quy định của pháp luật về quy trình vận hành trong mùa lũ đối với sông Ba Hạ. Vấn đề cử tri quan tâm là làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đợt xả lũ trên lưu vực sông Ba Hạ vào cuối tháng 11-2021 lại không được đề cập đến.

“Kiến nghị Bộ Công thương trả lời rõ vấn đề cử tri kiến nghị”- ông Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm