Đó là một trong những ý kiến đáng chú ý được đưa ra trong buổi làm việc giám sát chiều 4-9 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các sở, ngành về việc thực hiện Luật Trẻ em trên địa bàn TP.HCM.
Từ tháng 4-2016 đến 10-2018, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đã thụ lý giải quyết 130 vụ án hình sự, trong đó có 334 bị hại. Bị hại là trẻ em chiếm đến 70%. Theo thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn, các vụ án hình sự về tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em hiện nay có chiều hướng gia tăng về số lượng và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Bị hại của các vụ án xâm hại tình dục có độ tuổi ngày càng nhỏ, người xâm hại các em chủ yếu là người thân quen, nên việc phát hiện, tố cáo chậm dẫn đến việc xét xử gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, có những vụ xâm hại tình dục hoặc bạo hành trẻ em do chính phụ huynh thực hiện nhưng chưa có quy định tách trẻ em ra khỏi cha mẹ. Thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị cần ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục để tòa án có thể ban hành quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha mẹ và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế. Ông cũng kiến nghị đồng thời ban hành quy chế xây dựng hệ thống theo dõi để đảm bảo trẻ không tiếp tục bị bạo hành hoặc xâm hại.
Trung tá Nguyễn Văn Dũng (Công an TP.HCM) cho biết thời gian qua, Công an TP đã thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm kinh doanh giải trí nhạy cảm, các điểm dịch vụ Internet, trò chơi điện tử để ngăn chặn việc sử dụng lao động trẻ em không có thân nhân giám hộ, ngăn chặn các hành vi cung cấp văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực không lành mạnh cho trẻ em.
Từ giữa năm 2017 đến hết 2018, Công an TP phát hiện 28 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó 10 vụ giao cấu với trẻ em và tám vụ hiếp dâm trẻ em. Giải thích về số vụ hiếp dâm khá cao, Trung tá Dũng cho biết trên 70% là các bé gái tự nguyện “yêu đương” dẫn đến quan hệ tình dục. Theo luật thì các hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều là hành vi hiếp dâm trẻ em. Một số trẻ phát triển sớm dù chưa đủ 13 tuổi, có quan hệ tình cảm với “người yêu” và sau đó thì “người yêu” phạm tội hiếp dâm trẻ em.
Trung tá Dũng kiến nghị: “Các cơ quan ban, ngành cần tăng cường giáo dục giới tính, kỹ năng phòng, chống bị xâm hại cho các em. Gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự an toàn của trẻ, cha mẹ cần có trách nhiệm chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ thật chu đáo. Cần đề cao cảnh giác trong việc gửi trẻ em cho người khác trông coi”.
Đoàn đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến vấn đề trẻ em bị chăn dắt ăn xin trên địa bàn TP. Đại diện VKS TP cho biết sẽ rà soát lại các vụ việc và báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội. Quan điểm của VKS là việc chăn dắt trẻ em là vi phạm pháp luật, là bóc lột và bạo hành trẻ em, cần phải xử lý.