Trong hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch COVID-19 và ngân sách nhà nước (NSNN) thì đa số đại biểu (ĐB) đều đề cập đến hai vấn đề đầu. Riêng vấn đề NSNN, trong đó có điều tiết ngân sách, nhiều ĐB đã nêu quan điểm, ý kiến và đề nghị Chính phủ, Quốc hội (QH) xem xét.
Kiến nghị xem xét điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách
ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nhận định khi dịch COVID-19 xâm nhập vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đều bị tác động sâu rộng và các chỉ tiêu đều giảm. Ngay như Đồng Nai phải sử dụng hơn 6.000 tỉ đồng để chống dịch. Hệ quả là người lao động đã rời khỏi các tỉnh này.
Ngoài thiệt hại kinh tế, các tỉnh, thành này còn chịu tổn thương nặng nề về sức khỏe, tinh thần của người dân và thương hiệu địa phương. Những điều ấy như một cơn bạo bệnh, cần được dưỡng thương, bồi bổ, cần được ưu tiên nguồn lực. “Tôi đề xuất QH, Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo để giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế” - ĐB Hằng nói.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) nêu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ĐB Hằng, khi tỉ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh, thành này sẽ có nguồn lực để phục hồi đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu của kinh tế. Kết hợp với các chính sách hỗ trợ và các gói kích thích thì việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách sẽ giúp các địa phương phục hồi nhanh, lan tỏa và kéo tăng trưởng vùng kinh tế phía Nam lên.
Hiện TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đang khẩn trương xác lập các mục tiêu, xây dựng các chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có nhiều chương trình ý nghĩa. Chẳng hạn như TP.HCM phát triển xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ. Đồng Nai phấn đấu xây dựng khoảng 6.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030; Bình Dương dự kiến tăng thêm khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư trong giai đoạn 2021-2025. “Để tạo nguồn lực phục hồi cho các địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, một lần nữa kính đề nghị QH, Chính phủ cân đối tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương này với mức hợp lý, đồng đều” - ĐB Hằng nhấn mạnh.
Còn ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho rằng tỉ lệ điều tiết không phù hợp sẽ hạn chế sự phát triển của các địa phương. Năm 2020, Đồng Nai được giao chỉ tiêu thu là 47.185 tỉ đồng, tỉ lệ điều tiết là 47%. Dự toán năm 2022 là 58.032 tỉ đồng, tăng gần 23% nhưng tỉ lệ điều tiết từ 47% giảm xuống 45%.
Theo ông Thống, việc giao chỉ tiêu tăng và giảm tỉ lệ điều tiết như trên thì Đồng Nai sẽ rất khó khăn về nguồn lực để phát triển. Trong khi các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương sau đợt dịch lần thứ tư đã bị tổn thương nặng nề về kinh tế - xã hội, cần rất nhiều nguồn lực để nhanh chóng phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh để người lao động yên tâm quay lại khôi phục sản xuất.
“Tôi kiến nghị Chính phủ xem xét lại việc giao chỉ tiêu thu ngân sách phù hợp, khắc phục những bất cập trong giao chỉ tiêu ngân sách. Đồng thời cần xem xét nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thích hợp để có nhiều cơ hội đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước” - ông Thống nói.
Bốn bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn những vấn đề nóng Theo chương trình kỳ họp thứ 2 QH khóa XV, từ ngày 10-11, QH sẽ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ và kéo dài trong 2,5 ngày. Bốn bộ trưởng sẽ đăng đàn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn gồm bộ trưởng các bộ Y tế, LĐ-TB&XH, GD&ĐT và KH&ĐT. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là người đầu tiên trả lời chất vấn về các nội dung như công tác phòng chống dịch COVID-19, chiến lược vaccine, đảm bảo nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở… Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn về việc thực hiện các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam… Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn là tư lệnh ngành thứ ba đăng đàn. Ông sẽ trả lời các nội dung về đảm bảo chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19. Công tác dạy và học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng, miền… Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sẽ trả lời các nhóm nội dung về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển. Các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và bộ trưởng, tư lệnh các ngành sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan. Từ 9 giờ 50 đến 11 giờ 20 ngày 12-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH sau cùng. Chủ tịch QH sẽ là người điều hành toàn bộ phiên chất vấn tại kỳ họp này. Ông sẽ phát biểu mở đầu, kết thúc từng nhóm vấn đề và phát biểu bế mạc sau khi Thủ tướng kết thúc trả lời chất vấn. |
Cần cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công
Về vấn đề này, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) trích báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế cho rằng năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, là năm kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách. Chỉ còn 16/63 tỉnh, thành có tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, còn lại 47 tỉnh phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)
ĐB Ngân cho rằng nguồn thu NSNN thì eo hẹp, dự báo khả năng dư địa tăng thu ở địa phương không nhiều. “Ngân sách trung ương tiếp tục phải hỗ trợ các địa phương chưa thể tự cân đối ngân sách. Cần chủ động cân đối đảm bảo tập trung nguồn lực NSNN, ngân sách trung ương đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia” - ĐB Ngân đề nghị.
Trước khi đề xuất sớm sửa đổi Luật NSNN, ĐB Ngân đề nghị tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công. Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương cần được khẳng định, được thực hiện nghiêm túc và chủ động của ngân sách địa phương. Điều này góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
ĐB Khương Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cũng đề nghị sớm sửa đổi Luật NSNN và đổi mới cơ chế phân chia NSNN, tăng tính chủ động cho địa phương.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) không đề cập thẳng vấn đề điều tiết tỉ lệ ngân sách mà đề cập các vấn đề liên quan như phân bổ thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (XSKT). Theo ĐB Thơ, dù Luật NSNN quy định nguồn thu từ XSKT được phân bổ 100% vào ngân sách địa phương nhưng các địa phương và các vùng lại rất chênh lệch về khoản thu này. “Năm 2021, chỉ riêng 19 tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ chiếm 84,26% dự toán thu XSKT, còn 15,74% chia cho 44/63 tỉnh, thành còn lại” - ĐB Thơ nêu.
Còn theo định mức phân bổ thì số thu từ XSKT được chi cho giáo dục, dạy nghề, y tế, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nông thôn mới. Trong đó, miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên được bố trí 60%, còn Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL thì bố trí 50%. ĐB Thơ nói phân bổ như vậy chưa đảm bảo công bằng và đề nghị phải phân bổ lại đồng đều cho các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, ĐB một số địa phương khác lại không đề cập tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách mà đề nghị QH, Chính phủ quan tâm các dự án mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển, vấn đề cân đối ODA.
Có ĐB đề nghị hạ tỉ lệ điều tiết nguồn vượt thu từ 70% xuống 50% nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Có ĐB tính toán ngân sách hỗ trợ các mục tiêu địa phương thì thấy hụt tỉ lệ so với báo cáo nên đề nghị “Chính phủ chỉ đạo rà soát và điều chỉnh phương án phân bổ để đúng quy định của Luật NSNN”.
Tuy nhiên, cũng có ĐB đề nghị Chính phủ bổ sung vốn ODA vì địa phương còn khó khăn về ngân sách, phụ thuộc vào vốn hỗ trợ và ngân sách trung ương. Địa phương không muốn vay ODA vì “nếu trung ương vay vốn ODA để cho các địa phương vay lại thì cũng rất khó có khả năng trả nợ”.
Mức chi không thấp hơn năm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC: Bảo đảm ngân sách điều tiết năm sau cao hơn năm trước Đối với TP.HCM, giai đoạn 2017-2021, tỉ lệ điều tiết là 18%, tổng chi ngân sách hơn 60.300 tỉ đồng, tức bình quân 7,1 triệu đồng/người. Đến năm 2021, tổng chi hơn 69.000 tỉ đồng, tức bình quân 7,4 triệu đồng/người. Đến năm 2022, theo phương án xây dựng ngân sách là hơn 84.000 tỉ đồng, tức bình quân 8,8 triệu đồng/người. Như vậy, chênh lệch ngân sách điều tiết năm 2022 cao hơn năm 2021 là hơn 15.000 tỉ đồng. Điều quan trọng không phải là tỉ lệ điều tiết mà mức chi không thấp hơn năm trước.
Đối với Đồng Nai, năm 2017 tỉ lệ điều tiết ngân sách 47%, tương đương 17.400 tỉ đồng. Năm 2021 điều tiết ngân sách hơn 19.700 tỉ đồng, bình quân là 6,1 triệu đồng/người. Phương án ngân sách xây dựng cho năm 2022 thì Đồng Nai được điều tiết hơn 21.200 tỉ đồng, bình quân 6,5 triệu đồng/người, cao hơn năm 2021 hơn 1.500 tỉ đồng. Đồng Nai có tiềm năng phát triển quỹ đất do hạ tầng tăng lên. Trong tỉ lệ điều tiết không tính số thu từ xổ số kiến thiết và tiền đất. Nhà nước đang đầu tư sân bay Long Thành với 109.000 tỉ đồng và một số hạ tầng do ngân sách trung ương đầu tư đã được quyết trong kế hoạch đầu tư công là hơn 11.000 tỉ đồng. Rất mong các tỉnh, thành giàu hết sức thông cảm bởi ngân sách nhà nước còn lo cho 47 tỉnh nghèo nữa. Hiện nay có những tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng rất thấp kém, nhiều nơi chưa có điện, chưa có trường tạm. Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI: Ngân sách để lại sẽ thu hút đầu tư xã hội
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang kỳ họp thứ hai Quốc hội (QH) khóa XV vào chiều 9-11, đại biểu QH Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trên cơ sở đề xuất của TP.HCM, Chính phủ đã cân nhắc, đề nghị điều tiết tỉ lệ 21% ngân sách cho TP.HCM vì cả nước cùng khó khăn, TP là đầu tàu kinh tế, vì cả nước, đóng góp cho cả nước. Theo ông Mãi, TP.HCM đề nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP là để đầu tư phát triển, bởi “1 đồng đầu tư công của TP sẽ thu hút 10 đồng đầu tư xã hội”. Từ đó đóng góp cho tăng trưởng, đóng góp vào thu ngân sách và quay trở lại đóng góp ngân sách cho trung ương, chứ không phải chỉ cho TP.HCM. Đánh giá về ý nghĩa của việc tăng ngân sách để lại, ông Mãi nhìn nhận TP sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, thu hút, dẫn dắt đầu tư, đầu tư trọng tâm để lan tỏa. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sau khi QH thông qua tỉ lệ điều tiết ngân sách thì TP.HCM sẽ rà soát các nguồn lực của mình, đề xuất các cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách chứ không chỉ tập trung vào ngân sách. “Nguồn lực của TP.HCM là rất lớn, cần có cơ chế để khơi nguồn lực này phát triển, bên cạnh nguồn ngân sách” - ông nói. Ông Mãi cũng thông tin, sang năm TP sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Từ đó tính toán khai thác, đề xuất thêm những cơ chế từ nghị quyết này. Ông chia sẻ TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp cho cả nước. TP luôn có truyền thống đó và nhận lãnh sứ mạng đó vì cả nước. “Do đó, ngân sách để lại cho TP sẽ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dùng để thu hút đầu tư xã hội, đóng góp tăng trưởng, có thêm nguồn thu ngân sách và cuối cùng cũng để đóng góp trở lại cho cả nước” - ông Mãi khẳng định. CHÂN LUẬN - LÊ THOA |