TP.HCM sẽ đóng góp nhiều hơn nếu tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách

Bộ Tài chính ngày 27-10 đã đưa dự thảo Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và giai đoạn 2022-2024 để Chính phủ trình Quốc hội (QH). Một điểm đáng chú ý trong báo cáo là Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ báo cáo QH xem xét nâng tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM trong năm sau tăng lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, tương ứng gần 6.000 tỉ đồng.

Một đồng chi ngân sách có thể tạo ra năm đồng thu ngân sách

Trong báo cáo, Bộ Tài chính cũng ước tổng thu năm 2022 của TP.HCM dự kiến đạt hơn 386.568 tỉ đồng, tăng hơn 21.675 tỉ đồng so với dự toán năm 2021. Phần địa phương được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỉ đồng. Trong đó, phần ngân sách TP.HCM được hưởng 100% khoảng 42.600 tỉ đồng và phần được hưởng theo tỉ lệ điều tiết 21% khoảng 41.500 tỉ đồng.

Chiều 28-10, bên hành lang kỳ họp thứ hai QH khóa XV, đại biểu (ĐB) QH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã có chia sẻ xoay quanh đề xuất này của Bộ Tài chính.

Hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực TP.HCM ưu tiên đầu tư khi được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách. Trong ảnh: Công nhân lắp đặt các toa tàu của dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên lên đường ray tại depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, lâu nay ĐBQH TP.HCM đã lên tiếng rất nhiều về vấn đề này vì tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP quá thấp. Cụ thể là thấp nhất so với các nước trên thế giới, ở trong nước thì mức này cũng là thấp nhất trong 63 tỉnh, thành.

“Chính vì tỉ lệ điều tiết để lại cho TP quá thấp như vậy nên TP thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng, kể cả hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa. Rất nhiều nhu cầu về đầu tư nhưng thiếu nguồn lực” - ĐB Ngân nhìn nhận.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế trước đây vốn dĩ đã quá tải, khi dịch COVID-19 xảy ra thì lại quá tải hơn, dẫn đến thiệt hại lớn. Do đó, với một TP là đô thị đặc biệt như TP.HCM với năng suất lao động cùng hiệu quả tài chính cao, đặc biệt là hiệu quả sử dụng vốn ngân sách thì “một đồng chi ngân sách có thể tạo ra năm đồng thu ngân sách”. “Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ trình QH nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là một quyết định đúng” - ĐB Ngân nói.

Ông cũng nhìn nhận tỉ lệ điều tiết ngân sách này chỉ mới là bước đầu nhưng thể hiện sự chia sẻ của trung ương, của QH dành cho TP.HCM. Từ đó, TP có nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, nhất là giao thông, xã hội, vấn đề nhà ở, chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà trên kênh rạch và cả việc xây dựng nhà ở, khu lưu trú cho công nhân, người lao động… “Tất cả vấn đề đó đòi hỏi phải có vốn” - ĐB Ngân nói thêm.

Đeo bám đề xuất điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách

Tại cuộc họp với TP Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của TP chín tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ba tháng cuối năm 2021 hôm 19-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP sẽ đeo bám đề xuất điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách. Ông Mãi cho biết TP đề nghị được giữ lại 23%, dự kiến tại kỳ họp tới QH sẽ trình và sẽ có điều chỉnh. 

Có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng

ĐBQH Trần Hoàng Ngân khẳng định với tỉ lệ điều tiết ngân sách mới, TP sẽ đầu tư, phát triển thêm thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên. Từ đó, TP vẫn giữ được nhiệm vụ đầu tàu của mình là đóng góp ngân sách cho trung ương ngày càng nhiều hơn, chứ không phải ít đi.

Đi sâu hơn vào ý nghĩa của việc tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP cho biết việc này sẽ giúp TP có nguồn lực để nâng cao được hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, ở các phường, xã; quận, huyện, các bệnh viện.

Đồng thời, TP cũng có thêm điều kiện đầu tư, chỉnh trang, sửa chữa, xây dựng mới các trường học, nâng cao hệ thống giáo dục vì vừa qua nhiều trường học được sử dụng thành bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung…

Chia sẻ thêm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân thông tin TP.HCM từng làm nhiều đề án về tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP với tỉ lệ 23%, 25% và thậm chí là 28% vì trước đây TP từng được hưởng 33%. Tuy nhiên, lần này Bộ Tài chính đề xuất 21% là dựa trên sự cân đối chung của quốc gia, đặt trong bối cảnh tổng thể với 63 tỉnh, thành.

“Tôi nghĩ rằng đó là một sự san sẻ” - ông nói và cho biết con số này cũng là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nó vẫn còn thấp so với sự mong đợi của TP.HCM.

Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022
trên 1,4 triệu tỉ đồng

Cũng trong dự thảo Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và giai đoạn 2022-2024 để Chính phủ trình QH, Bộ Tài chính dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 trên 1,4 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021.

Bên cạnh đó, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 được bộ này dự kiến trên 1,784 triệu tỉ đồng, tăng 4,5% so với dự toán năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển là trên 526.000 tỉ đồng, trả nợ lãi trên 103.000 tỉ đồng và chi thường xuyên là trên 1,1 triệu tỉ đồng. Chi thường xuyên chiếm 62,2% tổng chi ngân sách nhà nước.

Như thế, mức bội chi ngân sách nhà nước được dự kiến gần 373.000 tỉ đồng, tương ứng 4% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21%-22% tổng thu ngân sách nhà nước. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43%-44% GDP.

    CHÂN LUẬN 

4 tiêu chí an toàn với cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP.HCM
4 tiêu chí an toàn với cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP.HCM
(PLO)- Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM vừa được ban hành yêu cầu các cơ sở này chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ bốn tiêu chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm