Trào lưu Kiss Cam đã thực sự xuất hiện tại Việt Nam và gây nên những phản ứng trái chiều. Bên cạnh số hưởng ứng cho rằng đây là trào lưu nên thử vì khiến cuộc sống thi vị hơn thì số đông nhận xét trò chơi này là phản cảm và cần lên án.
Cưỡng hôn và tung clip
Kiss Cam được cho là xuất phát từ Mỹ và Canada, với ý tưởng camera hướng đến cặp đôi khán giả nào đang xem thể thao thì họ phải hôn nhau. Sau đó Kiss Cam dần phát triển trở thành việc hôn trộm người lạ trên đường phố. Có nghĩa là bạn sẽ hôn trộm một người xa lạ trên đường phố và không phải xin phép họ, quay clip, sau đó thì xem phản ứng của họ. Nhiều clip quay cảnh này được tung lên mạng mấy ngày qua.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bạn NTKT (27 tuổi) cho biết: “Cách đây vài ngày, tôi đang ngồi cùng bạn trai tại Công viên 30-4 (quận 1, TP.HCM) thì bất ngờ bị một nam thanh niên lao tới từ phía sau. Anh ta “bẻ cổ” tôi quay ngược ra sau rồi hôn tôi. Tôi thực sự hoảng hốt và lo lắng như bị cướp giật giỏ xách hay điện thoại vậy. Nhiều người ở công viên lúc đó cũng gặp nạn như tôi. Những thanh niên sau đó đã cười cợt rất phản cảm rồi nhảy lên một chiếc xe hơi đang chờ sẵn và phóng đi. Sau đó đọc báo tôi mới biết hiện TP đang bị “cơn bão” Kiss Cam tấn công…
Một clip được tung lên mạng gần đây cũng cho thấy một nhóm thanh niên ăn mặc lịch thiệp, đi xe hơi sang trọng cùng nhau đi tìm “con mồi” để thực hiện việc cưỡng hôn. Nhiều người dở khóc dở cười khi bất ngờ nhận nụ hôn từ người lạ mặt. Có người đang đi dạo hay đang ngồi chụm đầu tâm sự với người yêu cũng bị chụp đầu để hôn. Đa phần người bị hôn trộm tức giận, nhiều người còn đuổi theo đòi đánh. Có cặp đôi đang chụp ảnh cưới thì bỗng đâu xộc tới hai người lạ mặt “đè” cô dâu, chú rể ra... hôn môi một lượt. Trong khi chờ đèn đỏ, một chàng trai đi mô tô bị cô gái trẻ ăn mặc thời trang (là tài xế lái chiếc xe chở nhóm thanh niên đi “săn mồi”) mở cửa xe bước xuống và đè ra hôn trong ngỡ ngàng. Chàng trai nhiều lần ngoái đầu tìm hiểu nhưng rồi đành bất lực chạy đi vì đèn giao thông đã chuyển màu xanh…
Một cặp đôi đang ngồi tâm sự trên ghế nơi công viên cũng bị người lạ bất ngờ “bẻ cổ” hôn môi cô gái. (Ảnh cắt từ clip)
Mới đây nhất, trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, một số thành viên đã rủ nhau đi... xử lý những người hưởng ứng trào lưu này. Phong trào được gọi là “Binh đoàn chống Kiss Cam”. Không rõ chuyện gì sẽ xảy ra khi thủ phạm bị binh đoàn này bắt giữ và giao công an.
Xử lý được không?
Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) và TS Thái Thị Tuyết Dung (khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM) cùng quan điểm cho rằng đã có chế tài xử phạt đối với hành vi cưỡng hôn này. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội…) đã nêu mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Theo đó, ai có một trong những hành vi, cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Hành vi cưỡng hôn chính là hành vi thô bạo, trêu ghẹo, xúc phạm người khác.
Luật sư Hồng phân tích thêm: “Người bị cưỡng hôn có thể khởi kiện vì quyền nhân thân đã bị xâm phạm. Theo Điều 25 BLDS thì người bị xâm phạm có thể yêu cầu chấm dứt hành vi hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước buộc chấm dứt hành vi, yêu cầu xử lý và bồi thường thiệt hại…”.
“Nên chấm dứt việc làm này vì nếu đi quá đà sẽ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật chứ không đơn giản chỉ là trò đùa vui. Dù ở đâu, Việt Nam hay nước ngoài, thân thể và danh dự của người khác được pháp luật bảo vệ. Ai xâm hại, không tôn trọng đều có thể bị xử lý.Chưa thể gọi là quấy rối tình dục nhưng nếu hành vi cưỡng hôn bị biến tướng thành hành vi sàm sỡ, dâm ô thì tùy từng trường hợp, tính chất, mức độ có thể bị xem xét để truy cứu về một tội danh cụ thể trong BLHS” - luật sư Hồng nói.
Hành vi phản cảm, không phù hợp văn hóa Việt Một số nước người ta khá thoáng trong việc ôm hôn nhau ngoài đường nên Kiss Cam dễ dàng được ủng hộ. Đó là nét riêng trong phong tục tập quán, ứng xử cộng đồng, tiếp xúc giữa các giới. Từ ý thức khác nhau sẽ dẫn đến nhận thức khác nhau. Ở Việt Nam, hành động bất ngờ lao đến hôn một người lạ mặt khi chưa được sự đồng ý thực sự phản cảm và khó có thể chấp nhận. Truyền thống văn hóa Á Đông không ủng hộ chuyện công khai hôn nhau ngoài đường, huống gì là hôn người khác trái ý muốn của họ. Việc cưỡng hôn chỉ làm trò cười cho thiên hạ và đem đến cho nạn nhân sự khó chịu. Với người Việt Nam, nụ hôn là cao quý chỉ dành cho tình nhân, cho vợ chồng, hoặc nụ hôn tình thân cho người mà mình yêu thương quý mến. Việc hôn nhau cũng thường xảy ra ở nơi kín đáo. Hành vi này có thể biến tướng thành hành vi xâm hại, lạm dụng các thiếu nữ và gây mất an ninh, trật tự, thậm chí có thể là nguyên nhân của những vụ ẩu đả, nghiêm trọng hơn là án mạng. Trước khi nhờ đến pháp luật bảo vệ, có lẽ người đi đường, đặc biệt là thiếu nữ hoặc phụ nữ phải tự trang bị những kỹ năng đề phòng như cẩn trọng tránh xa những người lạ có thể tới gần. Đồng thời nạn nhân cũng nên giữ bình tĩnh để không có phản ứng dẫn đến những hậu quả khó lường… NGUYỄN NGỌC THỦY TIÊN, chuyên gia tâm lý Trung tâm Tư vấn 1088 Có thể với quốc tế là bình thường nhưng Kiss Cam vào Việt Nam thì thật dị hợm, khó coi, dễ bị lợi dụng, chưa kể mất vệ sinh, dễ lây virus viêm gan siêu vi B và các bệnh lây nhiễm như lao, hô hấp, viêm họng, H5N1, MERS… Tôi chắc rằng nếu ai đó mắc bệnh tim mà gặp trường hợp như tôi chắc sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì mất hồn. Bạn trai tôi hôm ấy sững người, không nói gì vì quá bất ngờ nhưng anh ấy khá bực mình. Còn tôi thì đến giờ vẫn còn ám ảnh, cổ còn đau và không dám ra công viên nữa. Hành vi đó thật không tôn trọng thân thể người khác, biến thái và vô duyên. Nếu tôi bắt giữ được người thanh niên đó thì tôi sẽ đưa ra công an, kiện để bảo vệ mình và những nạn nhân như mình. Đúng là cái phong trào điên khùng nhất mà tôi từng thấy. Chị NTKT, một nạn nhân của trào lưu Kiss Cam |