Từ cái đề thi ngữ văn lớp 12 do Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai trích một đoạn văn hũ nút để yêu cầu các em học sinh giải mã (xác định phương thức biểu đạt đoạn trích, thao tác lập luận, nêu nội dung chính...). Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi những bộ phim truyền hình nước ngoài lại được đưa vào đề thi (làm như ai cũng xem phim truyền hình Hàn Quốc, Ấn Độ... như các vị ra đề thi). Ví dụ: Nhân vật Soái Ca của bộ phim Hàn Quốc nổi đình đám hiện nay làHậu duệ mặt trời được đưa vào đề thi môn ngữ văn Trường chuyên Lê Quý Đôn - Quảng Trị: “... Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim (Hậu duệ mặt trời)..., hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề “Nếu tôi là đạo diễn...”. Liệu có mấy em đã được xem phim này? Phim Hậu duệ mặt trời còn được đưa cả vào đề thi môn vật lý cuối học kỳ của Trường Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM. Hoặc phim truyền hình Cô dâu 8 tuổicủa Ấn Độ cũng được đưa vào đề thi môn ngữ văn học kỳ II của Trường THPT Đắk Mil - Đắk Nông.
Điều lạ nữa là nhiều nhân vật trong giới showbiz hiện nay như ca sĩ Sơn Tùng M-TP và bài hát cực sến là bàiVợ người ta - thậm chí ca “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh, Bà Tưng... cũng được đưa vào đề thi. Chẳng lẽ đây là một nền giáo dục... mở?
Trở lại chuyện đề thi ngữ văn lớp 12 của một trường THPT ở Gia Lai. Đứa cháu tôi học lớp 12 ở trường đó. Nó bảo cháu chả hiểu gì cái đoạn văn hũ hút đó hết. Nó còn mail cho tôi cái đề thi khá kỳ cục đó: “... Nước Việt hình chữ S - hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa?Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun, con rắn. Không có lửa làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm, làm gì còn “sốt” sắng, “nhiệt” tình, “đuốc” tuệ, làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng!... Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử, “sôi”?... Cho nên biết ủ lửa để giữ phẩm cách - người, nhân cách - Việt” (trích trong bàiThắp lửa sang xuâncủa Đoàn Công Lê Huy). Tôi phải kiên nhẫn lắm mới có thể chép lại đoạn văn này. Và tôi thật sự không thể hiểu cái ý tưởng “nước Việt hình chữ S - hiện thân của số nhiều”. Sao ông nhà văn này lại lôi chữ “S” số nhiều của tiếng Anh để gán cho bản đồ nước Việt Nam? Rồi “không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng mà chỉ là con giun, con rắn”. Và còn nhiều ý tưởng quái lạ khác. Đề thi yêu cầu xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích, thao tác lập luận nêu nội dung chính, viết đoạn văn ngắn nói về sự cần thiết “nuôi lửa” ở lứa tuổi học sinh. Tôi thấy quá lạ khi bắt những học trò lớp 12 phân tích biểu đạt về sự nuôi lửa kỳ lạ trong đoạn văn lạ kỳ nêu trên.
Một tác giả có quyền viết tùy hứng, có thể hư cấu, siêu hình, siêu thực... gì gì cũng được nhưng bắt học sinh phải chạy theo sự ngẫu hứng ấy để phân tích một đoạn văn kỳ lạ như trên là phi giáo dục. Bởi văn học dạy trong nhà trường bắt buộc phải trong sáng. Mà đoạn văn trích dẫn trên đúng là đánh đố người đọc. Có lẽ tác giả viết trong một “cơn lên đồng”. Nhưng bắt học sinh phải phân tích “cơn lên đồng” đó thì thật bất công. Đã biết phương pháp giáo dục mới, thi cử mới là những đề mở liên quan tới các vấn đề xã hội đang xảy ra nhưng mở đến cỡ nào, các nhà sư phạm cũng nên cân nhắc chứ không thể cái gì cũng đưa vào đề thi. Như chuyện phim truyền hình tạp nham, chuyện nhảm nhí như bài hátVợ người ta, hoặc người mẫu nội y, cô gái tai tiếng trong giới showbiz... mà cũng đưa vào đề thi là xúc phạm tới các em học sinh tâm hồn trong sáng.