Đây là biến chứng có thể gặp ở bất kỳ cuộc mổ nào, kể cả trong phẫu thuật tim – chuyên ngành mà yêu cầu vô trùng trong điều trị là gắt gao nhất.
Nhiễm trùng trong phẫu thuật tim
Bệnh nhân không thể can thiệp vào quá trình điều trị phẫu thuật và hồi sức; việc điều trị, chăm sóc vết mổ, đảm bảo điều kiện vô trùng, thực hiện tốt kỹ thuật mổ… là trách nhiệm của bác sĩ và nhân viên y tế. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể tự mình làm giảm bớt các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. |
Trong phẫu thuật tim, đường mổ thường áp dụng là đường rạch da dọc giữa xương ức và chẻ đôi xương ức theo chiều dọc. Qua đường mổ này, bác sĩ phẫu thuật sẽ banh rộng lồng ngực để thao tác với quả tim. Cuối cuộc mổ, bác sĩ sẽ khép xương ức lại và dùng chỉ thép để giữ vững xương ức. Trong phẫu thuật bắc cầu mạch vành, bệnh nhân có thể có thêm đường mổ ở cẳng chân và đùi (để lấy tĩnh mạch hiển làm cầu nối), đường mổ dọc cẳng tay (để lấy động mạch quay làm cầu nối).Tỷ lệ nhiễm trùng nông (nhiễm trùng ở da và mô dưới da) của đường mổ giữa xương ức là 3 – 10%, của đường mổ tĩnh mạch hiển là khoảng 25%, của đường mổ động mạch quay là khoảng 5%. Tình trạng nhiễm trùng này khiến vết mổ chậm lành, nặng hơn là bung vết mổ. Khi lành thì vết mổ cũng thường để lại sẹo xấu.Tỷ lệ nhiễm trùng sâu dưới xương ức (nhiễm trùng ở các mô sâu nằm dưới lớp dưới da) chiếm 0,5 – 5%. Không được xem nhẹ tình trạng nhiễm trùng này vì nó có thể diễn tiến xấu, có thể đưa đến suy đa cơ quan do nhiễm trùng nặng...; cách điều trị lại thường phức tạp.Bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ sẽ được điều trị kháng sinh, rửa vết mổ và thay băng mỗi ngày. Có thể cần dẫn lưu hoặc banh rộng vết mổ nếu có tụ dịch hay mủ. Những trường hợp nhiễm trùng nặng sâu dưới xương ức có thể cần phẫu thuật làm sạch, loại bỏ mủ, mô hoại tử, mô nhiễm trùng… Nếu tình trạng nhiễm trùng sâu làm xương ức không lành được, xương ức trở nên lỏng lẻo, không vững, bệnh nhân cần được phẫu thuật để đặt lại chỉ thép. Tư thế sinh hoạt tốt cho vết mổSau phẫu thuật, những tư thế sinh hoạt không đúng cách có thể ảnh hưởng đến vết mổ. Thông thường, bệnh nhân có thể ngồi dậy vào ngày thứ hai sau phẫu thuật khi quá trình hồi sức đã ổn định. Tuy nhiên, cần nhớ là không được ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa với hai tay chống ra sau để nâng đỡ cơ thể, vì tư thế này có thể gây hở vết mổ trước ngực. Cách ngồi dậy an toàn là: trước hết phải nằm nghiêng, thòng chân ra khỏi giường và nâng đầu lên, có thể dùng tay để nâng thân mình lên. Ngược lại, khi muốn nằm xuống thì ngồi lên giường, nhấc chân lên, nghiêng người qua một bên và hạ đầu xuống, có thể dùng tay tự đỡ thân mình hạ xuống từ từ.Hầu hết bệnh nhân sau phẫu thuật đều có dáng đi lom khom, hai vai đưa ra phía trước, cổ rụt lại để làm giảm sự căng của vết mổ. Tư thế này sai vì sẽ gây đau, mỏi và ảnh hưởng đến việc lành vết mổ do làm giảm lưu thông máu ở vùng vai và cổ. Cần giữ thân người thẳng, hai cánh tay đong đưa nhẹ nhàng theo bước đi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng ho. Khi ho, nên đưa tay giữ lấy ngực để hạn chế đau và ảnh hưởng xấu đến vết mổ. Thông báo cho bác sĩ nếu ho nhiều.Không nên vận động quá mạnh trong thời gian xương ức đang lành (12 tuần). Trong vòng 6 – 8 tuần lễ đầu, không nên nâng đồ vật nặng quá 2kg và cũng không làm những công việc phải lặp đi lặp lại cử động dang một bên vai như quét, lau nhà... Phòng ngừa nhiễm trùng vết mổNhững bệnh nhân lớn tuổi, béo phì, hút thuốc lá, mắc bệnh tiểu đường, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đang điều trị thuốc steroid… là nhóm có nguy cơ cao nhiễm trùng vết mổ. Ngoài ra, cuộc mổ kéo dài, thao tác với vết mổ và xương ức không tốt, điều kiện vô trùng không đảm bảo, có biến chứng hậu phẫu (phải mổ lại, mở xương ức để cầm máu…), gặp một số vấn đề trong điều trị hồi sức (truyền máu nhiều, thở máy kéo dài, dinh dưỡng kém…) là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Dĩ nhiên bệnh nhân không thể can thiệp vào quá trình điều trị phẫu thuật và hồi sức; việc điều trị, chăm sóc vết mổ, đảm bảo điều kiện vô trùng, thực hiện tốt kỹ thuật mổ… là trách nhiệm của bác sĩ và nhân viên y tế. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể tự mình làm giảm bớt các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn: giảm cân nếu béo phì, nếu có bệnh tiểu đường thì cần tuân thủ chế độ điều trị thuốc và dinh dưỡng để kiểm soát tốt đường huyết, bỏ thuốc lá…Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần giữ vệ sinh vết mổ tốt, sạch và khô ráo. Sau khi được tháo băng, chỉ nên dùng xà bông và nước để rửa vết mổ. Có chế độ ăn uống lành mạnh để giúp vết mổ lành tốt.Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm triệu chứng nhiễm trùng vết mổ để điều trị kịp thời giúp hạn chế việc tiến triển tình trạng nhiễm trùng. Nếu thấy có thay đổi bất thường tại vết mổ, cần thông báo để bác sĩ kiểm tra, nhất là với những dấu hiệu như: vết mổ rỉ dịch hay máu, vết mổ mở rộng ra, vết mổ bị đỏ hay ấm lên, bệnh nhân bị sốt. Cũng cần báo cho bác sĩ biết khi cảm thấy xương ức như dịch chuyển hay bị nứt gãy khi cử động. Theo BS.CK1 Ngô Bảo Khoa (SGTT)