Đề xuất bật đèn xe máy cả ban ngày: Vẫn chưa thuyết phục

Những ngày qua, Pháp Luật TP.HCMtiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về đề xuất xe máy phải bật đèn suốt cả ngày của Bộ GTVT. Chúng tôi xin giới thiệu tiếp các ý kiến góp ý này của bạn đọc.

TNGT do nhiều nguyên nhân

Theo bạn đọc tên Phong, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là người điều khiển phương tiện giao thông còn thiếu ý thức; uống rượu bia, sử dụng các loại chất kích thích, chất gây nghiện khi tham gia giao thông; chạy ẩu và coi thường pháp luật và tính mạng của người dân.

“Mỗi năm có hàng chục ngàn người chết, bị thương vì TNGT mặc dù Bộ GTVT đã đưa ra nhiều biện pháp. Theo tôi, những trục đường, tuyến đường hay xảy ra tai nạn thì lập ngay các chốt và mời các chuyên viên về an toàn giao thông các bộ, sở xuống trực tiếp theo dõi kiểm tra thực tế. Nếu có tai nạn xảy ra thì phải mổ xẻ chi tiết do nguyên nhân nào? Từ thực tế tại hiện trường của các vụ TNGT sẽ có những đề xuất các biện pháp tốt nhất về an toàn giao thông sát thực tế của Việt Nam và ít tốn kém tiền của của nhân dân” - bạn đọc Nguyễn Hùng nêu ý kiến.

Bạn đọc Hoàng Thiên Vương thì cho rằng nên quy hai chữ trách nhiệm và con số. Nếu đề xuất này được thông qua người dân sẽ phải bật đèn xe cả ngày với điều kiện phải có thống kê số vụ/số người bị tai nạn có giảm hay không. Đã có bao nhiêu vụ TNGT vì không nhận diện được xe do không bật đèn? Nếu số vụ tai nạn không giảm thì cá nhân, tổ chức nào đề xuất ra quy định này phải chịu trách nhiệm.

“Không phải ai cũng có ý thức hạ đèn khi ra đường, nhiều người cứ bật đèn là pha thượng lên gây chói mắt người đi ngược chiều, còn người đi trước thì bị gương chiếu hậu dọi vào không thể nhìn được. Nếu bật đèn xe cả ngày thì tai nạn sẽ còn cao hơn nữa” - bạn đọc tên Kiên bức xúc.

Nhiều bạn đọc phản đối đề xuất bật đèn xe cả ban ngày. Ảnh minh họa: ĐÀO TRANG

Hãy nghĩ tới môi trường

Bạn đọc tên Bình mong muốn các bộ, ngành trước khi làm gì hãy nghĩ tới môi trường. Việc bật đèn xe cả ngày sẽ khiến nhiệt độ của bóng đèn nóng lên làm cho người đi đường khó chịu. Ánh sáng, nóng bức... chỉ làm cho môi trường ô nhiễm hơn.

Đồng quan điểm, bạn đọc Tú cho rằng ở các TP lớn thường xuyên kẹt xe dưới trời nắng gần 40 độ như hiện nay mà hàng triệu chiếc xe cùng bật đèn một lúc thì chỉ tăng thêm nhiệt độ và ô nhiễm môi trường. Không thể vì nước ngoài đã áp dụng mà phải áp dụng ở Việt Nam cho bằng được.

Bạn đọc Chung Nguyễn cũng cho rằng bật đèn cả ngày sẽ gây nhiệt tỏa ra rất lớn, góp phần làm biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn. Trong khi đó, dù có bật đèn mà đi vào điểm mù thì tài xế xe lớn cũng đâu thể phát hiện mà tránh. Đề xuất này không thuyết phục nên loại bỏ ra khỏi dự luật vì sẽ vừa gây tốn kém vừa không hiệu quả

Bạn đọc Vũ Đình Cường chia sẻ thông tin bóng đèn pha xe lấy trung bình 35W, kèm thêm đèn hậu, tổng công suất chia cho hiệu suất động cơ... tiêu tốn năng lượng ít nhất cũng phải 60W.

“Cái gì cũng đưa luật của nước ngoài để biện minh trong khi khí hậu của nước ta tùy theo vùng miền. Nên quy định dù ngày hay đêm khi hạn chế tầm nhìn do thời tiết và nơi thiếu ánh sáng khi lưu thông mới buộc phải bật đèn để dễ nhận biết. Như vậy mới hiệu quả hơn” - bạn đọc Vương Gia đưa ra góp ý.

Cần xem xét thật kỹ

“Hãy xem xét thấu đáo và có thể lấy ý kiến của người dân. Đừng chỉ chăm chăm áp dụng theo khuân mẫu. Bởi vì không phải cái gì của người ta tốt, người ta áp dụng được là mình cũng áp dụng được. Hãy thử nghĩ đang đi dưới cái nắng gay gắt gần 40° mà lại bị đèn chiếu vào mắt thì sẽ thế nào” - bạn đọc tên Mây bình luận.

Bạn đọc Hoàng Bình cho rằng nhà thiết kế, chế tạo xe đã tính toán tác dụng của đèn xe nhằm hỗ trợ người lái xe trong trường hợp tầm nhìn bị hạn chế. Ban đêm thì dùng chế độ chiếu sáng, trời mưa hay sương mù thì dùng chế độ đèn vàng. Hà cớ gì ban ngày trời nắng chang chang mà bắt bật đèn?

“Đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Điều kiện ở nước ta khác hẳn với châu Âu, không thể thấy người khác làm thì ta phải làm. Việc áp dụng phải phù hợp thực tế của mỗi đất nước có khí hậu như Việt Nam là không phù hợp” - bạn đọc Vương Gia nêu ý kiến.

Còn theo bạn đọc Chi: “Nhận định riêng cá nhân tôi "mỗi một con người, mỗi công dân khi làm chủ một phương tiện luôn đặt cho ra cho mình phương châm “chậm một giây đổi triệu triệu nụ cười". Tôi nghĩ việc bật đèn chiếu sáng phương tiện cả ngày chỉ phù hợp địa hình, thời tiết khí hậu của một số lãnh thổ, quốc gia”.

"Bộ GTVT nên tuyên truyền ý thức cho những người tham gia giao thông là chính. Việc thêm đề xuất này liệu có giảm được số người chết vì TNGT hay không. Ý thức của người tham gia giao thông hiện nay còn quá kém. Thậm chí có những người biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm thì vấn nạn chạy xe, vượt ẩu, gây tai nạn vẫn dài dài như không có thuốc chữa" -  bạn đọc Đoàn Tích Anh chia sẻ.

Luật đưa ra phải hợp lý và thích ứng với hiện trạng giao thông 

Các luật hoặc công ước quốc tế chỉ thể hiện cái chung và tự mỗi nước phải tùy theo điều kiện để đưa ra quy định riêng cho nước mình như thế nào cho phù hợp. Vì vậy, dù có công ước nhưng trong đó cái phù hợp thì áp dụng, còn không phù hợp thì có nhất thiết phải cứng nhắc không. Cần phải nhìn vào thực tế tại Việt Nam về thời tiết, ý thức, dân trí,... để mà đưa ra các quy định cho hợp lý.

Thử hình dung xem thời tiết vào giữa trưa có khi lên đến hơn 40 độ C thậm chí ngày gay gắt lên đến hơn 43 độ C, nếu tất cả xe đều mở đèn (nhiều người ý thức kém còn mở cả đèn pha) kết hợp ánh nắng chói chang thì sẽ như thế nào. Nó có thể tạo thành một nồi hấp, thậm chí có thể gây tăng các bệnh về mắt hoặc các bệnh về đường hô hấp,... Như vậy sức khỏe cộng đồng chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng về phương tiện đi lại sẽ chắc chắn giảm tuổi thọ bởi hệ thống làm mát không thể đáp ứng môi trường oi bức quá nóng. Vì vậy, nếu nghĩ theo cách đơn giản thì đèn chiếu sáng trên xe chủ yếu sử dụng vào ban đêm, hoặc sương mù, mưa phùn,... khi hạn chế tầm nhìn mới cần bật đèn để hai xe ngược chiều nhìn thấy nhau.

Luật đưa ra nhằm mục đích lập ra trật tự giao thông và hạn chế tai nạn, thế nhưng phải hợp lý và vừa phải. Thậm chí ngay cả luật hiện hành đã có bao nhiêu người chấp hành nghiêm, bao nhiêu người vi phạm không bị xử phạt như vừa chạy xe vừa nghe điện thoại (kể cả xe hai, ba, bốn bánh), lấn làn đường, hàng hai hàng ba,…

Để phát hiện và chế tài đối tượng vi phạm của cơ quan thi hành luật còn rất hạn chế. Đây cũng là trách nhiệm của thi hành công vụ, kiểm tra, phát hiện như thế nào chứ không phải đứng chặn ngay các cua quẹo để canh người tham gia giao thông vi phạm để phạt. Đó là cách làm bị động trong thi hành công vụ.

Tóm lại, luật đưa ra phải hợp lý và thích ứng với hiện trạng giao thông, đưa ra nhiều rồi chẳng ai vận dụng hoặc chỉ lo đối phó thì cũng bằng thừa.

                                                                Bạn đọc VH nêu quan điểm

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm