Việc hạn chế xe máy tại trung tâm TP.HCM được thực hiện theo ba giai đoạn và tiến tới cấm hẳn vào năm 2030. Trong thời gian xe máy bị hạn chế, vận tải bằng xe buýt giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống metro, monorail được hình thành theo quy hoạch đến năm 2030. Đó là nội dung tờ trình đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP.HCM” do Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường vừa ký gửi UBND TP. Đề án do Sở GTVT TP đặt hàng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải thực hiện này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
TS PHẠM SANH, chuyên gia giao thông:
Phát triển giao thông công cộng trước
Về mặt bằng giao thông hiện nay của TP.HCM, để cấm phương tiện cá nhân là không phù hợp. Trên thực tế, nếu cấm đường như đề xuất của Sở GTVT TP thì người dân sẽ đi bằng phương tiện nào?
Xe buýt đã đảm bảo phục vụ người dân chưa? Bên cạnh đó, các tuyến đường kết nối với tàu điện đã phù hợp chưa? Rồi người dân gửi xe ở đâu trong khi lòng, lề đường chưa giải quyết được?
Tôi thấy rằng trước khi đưa ra đề án thì TP phải làm tốt những công việc như phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phương tiện giao thông công cộng, tổ chức giao thông hợp lý, giành lại lề đường cho người đi bộ...
Vì vậy, trước khi thực hiện đề án này thì phải có thời gian chuẩn bị cho các công việc trên, sau đó mới từng bước thực hiện. Có như vậy đề án mới thực sự có hiệu quả và người dân mới ủng hộ.
Dòng xe kẹt cứng trên đường Pasteur (đoạn từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) vào giờ cao điểm. Ảnh: HOÀNG GIANG
TS Võ Kim Cương, chuyên gia quy hoạch đô thị:
Nên hạn chế ô tô cá nhân
Chủ trương cấm xe cá nhân, nhất là xe máy như lộ trình là chưa hợp lý. Bởi 90% người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông chính và người dân đang làm ăn, sinh sống phụ thuộc vào các phương tiện này. TP.HCM về cấu trúc cơ bản chỉ phù hợp cho xe máy mà không hề phù hợp với ô tô, bởi cấu trúc đường chủ yếu là đường nhỏ, hẻm. Nếu Nhà nước muốn chuyển toàn bộ TP thành một nơi không có xe máy thì phải cải tạo lại cấu trúc hạ tầng của TP.
Bởi vậy, theo tôi, lộ trình cấm hoàn toàn xe máy đến năm 2030 không khả thi. Phải chăng có cấm thì nên cấm ô tô cá nhân chứ không nên cấm xe máy. Nhà nước không nên đặt ra việc cấm xe cá nhân thực hiện đến năm nào mà chỉ nên hạn chế phương tiện cá nhân trong một phạm vi cụ thể.
TS LƯƠNG HOÀI NAM, chuyên gia giao thông:
Cấm xe máy chỉ là một biện pháp…
Nhiều năm qua tôi đã có các đề xuất và ý kiến về việc hạn chế xe máy ở Hà Nội và TP.HCM.
Việc đề xuất cấm xe máy vào trung tâm TP chỉ là một trong những biện pháp được nêu ra trong một đề án tổng thể mà Viện Chiến lược và phát triển giao thông thực hiện cho TP chứ đừng nghĩ là chỉ việc cấm xe máy là giải quyết được bài toán giao thông ở TP.HCM.
Nếu không hiểu kỹ đề án mà Sở GTVT TP vừa trình UBND TP thì sẽ gây hiểu nhầm. Trước hết, để hạn chế xe máy, TP cần mang lại cho người dân hệ thống giao thông công cộng hiện đại, văn minh, giá rẻ.
Đồng thời phải coi xe buýt là loại hình công cộng chiến lược trong tương lai.
Ông NGUYỄN VĂN HẢI, người dân ngụ quận 2:
Lộ trình thay thế xe cá nhân chưa thấy khả thi
Đề án nhấn mạnh đến việc cấm đường xe cá nhân, trong khi các lộ trình thay thế xe cá nhân thì như thế nào, tính khả thi tới đâu? Chỉ một chiến dịch dành lại lòng, lề đường mà nhiều năm nay TP vẫn làm chưa thực sự hiệu quả. Đề án nếu thực hiện ở các nước sẽ mang lại hiệu quả, còn ở Việt Nam thì người dân vẫn sinh sống phụ thuộc vào các phương tiện cá nhân là xe máy. Tôi không phản đối đề án mà TP đưa ra, song trước khi thực hiện phải lấy ý kiến của người dân.
Sở GTVT TP: Chỉ triển khai khi giao thông công cộng đáp ứng Theo tờ trình gửi UBND TP, trong những năm qua, TP.HCM đã từng bước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mạng lưới đường vành đai, xuyên tâm, đô thị được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới, chất lượng phương tiện giao thông công cộng từng bước được phát triển… Tuy nhiên, tương tự như nhiều TP lớn ở các nước đang phát triển, TP đang đứng trước vấn đề khó khăn về giao thông đô thị; đặc biệt là phương tiện cơ giới tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đảm nhận tỉ lệ thấp so với nhu cầu đi lại của người dân. Tình hình ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, khí thải, sự gia tăng phương tiện cơ giới có chất lượng khí thải kém… đang ảnh hưởng sức khỏe người dân đô thị. Vì thế, cần thiết phải nghiên cứu thực hiện đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở TP.HCM”. Tờ trình nhấn mạnh: “Các điều kiện cần: Hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe máy điện kết nối với các hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thuận lợi… phải đạt được trước khi tổ chức hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân…” 3 giai đoạn hạn chế xe máy Theo đề án, giai đoạn 1, từ nay tới năm 2020: Hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình), đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Hạn chế xe máy từ 7 giờ đến 19 giờ trên đường Pasteur (đoạn từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng). Giai đoạn 2, từ năm 2021 đến 2025: Hạn chế xe máy đi vào quận 1 từ các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ. Giai đoạn cuối, từ năm 2026 đến 2030: Hạn chế tiến tới cấm hẳn xe máy đi vào các quận 1, 3, 5, 10. Cụ thể từ các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng. Cùng với việc hạn chế xe máy, Sở GTVT TP đề xuất kiểm soát việc đỗ ô tô trong khu vực trung tâm TP; xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực; hạn chế cấp phép giữ xe ở lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm; tăng lệ phí trước bạ đối với ô tô đến chín chỗ; thu phí ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm đối với ô tô... |