Đề xuất chi hơn 256.000 tỉ đồng để phát triển văn hóa

(PLO)- Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 dự kiến cần hơn 256.000 tỉ đồng để thực hiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Dự kiến tổng vốn thực hiện Chương trình hơn 256.000 tỉ đồng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng; giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng.

Như vậy, tổng vốn của cả giai đoạn từ 2025 - 2035 là 256.250 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác.

Về quy mô, chương trình được thực hiện trên cả nước, bao gồm tất cả các tỉnh, huyện, xã, thôn và một số Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035.

Đề xuất chi hơn 256.000 tỉ đồng để phát triển văn hóa
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: QH

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chương trình đặt ra nhiều mục tiêu đáng chú ý. Cụ thể, đến năm 2030 phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh, gồm Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện.

Phấn đấu 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa

Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Hàng năm, có ít nhất năm sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam..

Mục tiêu đến năm 2035, 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế. 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước…

Xem xét tính khả thi của một số mục tiêu

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, cho hay cơ quan này nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Ủy ban cũng nhất trí về mục tiêu của Chương trình nhưng cần xem xét tính khả thi của hai mục tiêu cụ thể đến năm 2030.

Đó là “Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4" và mục tiêu "100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa”.

PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ..jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: QH

Về phạm vi, quy mô, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.

“Có ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công nhưng đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác” - ông Vinh nói.

Về kinh phí thực hiện, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện.

“Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028-2030 để phù hợp với thực tiễn chuẩn bị, triển khai các hoạt động và khả năng giải ngân vốn thực hiện; rà soát, đánh giá khả năng giải ngân vốn thực hiện Chương trình năm 2025” - Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm