Đề xuất chia sẻ rủi ro hoàn vốn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Tờ trình dựa trên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định liên ngành do Thủ tướng thành lập thẩm định, đánh giá hồi tháng 7.

Cần hơn 19.600 tỉ đồng đầu tư dự án

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 53,7 km. Điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Bộ GTVT cho biết theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô tuyến cao tốc 6-8 làn xe (tùy theo từng đoạn tuyến). Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Cụ thể, đoạn từ điểm đầu dự án (giao với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa) đến nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án (giao với quốc lộ 56) đều có quy mô bốn làn xe. Từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành) là sáu làn xe.

Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồ họa: HỒ TRANG

Nhu cầu sử dụng đất của dự án được tính toán sơ bộ khoảng 519,64 ha với 3.130 hộ dân bị ảnh hưởng, 2.589 hộ tái định cư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 19.600 tỉ đồng. Trong đó, 6.720 tỉ đồng là vốn nhà nước và 12.987 tỉ đồng là vốn do nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp. Mức thu phí dự kiến là 1.700 đồng/km/xe con, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 17 năm.

Một trong những điểm mới của dự án này là việc Bộ GTVT đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo Điều 82 Luật PPP.

Cụ thể, trường hợp doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP.

Trường hợp doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế.

“Tuy nhiên, Nhà nước chỉ chia sẻ phần giảm doanh thu được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện như thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu…” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Quốc lộ 51 đã quá tải, cần thiết đầu tư cao tốc

Theo Bộ GTVT, việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trên hành lang TP.HCM - Vũng Tàu chủ yếu bằng phương thức đường bộ thông qua quốc lộ 51. Thời gian qua, quốc lộ 51 đã được đầu tư mở rộng với quy mô sáu làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp.

Tuy nhiên, số liệu điều tra, khảo sát cho thấy hiện tại lưu lượng xe trên quốc lộ này tại một số đoạn tuyến đang trong tình trạng quá tải (lưu lượng xe đạt 82.376 xe con quy đổi/ngày đêm, đạt 94% công suất). Từ đó, quốc lộ này đang giảm khả năng phục vụ và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Theo dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2026, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành hoàn thành, đưa vào khai thác, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang TP.HCM - Vũng Tàu tại đoạn nối hai cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành khoảng 136.285 xe con quy đổi/ngày đêm. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn tới hệ thống giao thông khu vực.

“Vì vậy, việc sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là hết sức cấp thiết” - Bộ GTVT khẳng định.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, nếu được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, thời gian chuẩn bị dự án sẽ diễn ra trong năm 2021-2022. Lựa chọn nhà đầu tư trong giai đoạn 2022-2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn 2022-2024; thi công xây dựng công trình trong giai đoạn 2024-2026.•

Dự án từng được giao các tỉnh làm chủ đầu tư
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từng được Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư, tuy nhiên sau đó giao về cho các địa phương để triển khai.
Cuối tháng 10-2020, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và giao lại Bộ GTVT triển khai dự án này.
Theo địa phương này, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa bàn hai tỉnh với diện tích đất thu hồi, tái định cư lớn nên việc phối hợp thực hiện gặp nhiều khó khăn và dự báo kéo dài. Hơn nữa, việc tổ chức thực hiện các dự án PPP, loại hợp đồng BOT đòi hỏi phải có bộ máy quản lý kinh nghiệm và chỉ đạo thống nhất.
Bên cạnh đó, phần vốn hỗ trợ của Nhà nước tại dự án xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên tới 6.670 tỉ đồng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của hai tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm