Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Theo đó, bộ này cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có địa phương nào đề xuất với Thủ tướng hoặc Bộ GTVT về việc giao làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc trên.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành quy định việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận bằng phương thức PPP thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Trường hợp cần thiết, theo đề nghị của địa phương, Thủ tướng có thể giao các tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong điều kiện yêu cầu tiến độ rất gấp, Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án sẽ có nhiều thuận lợi. Cụ thể ở đây là việc cơ quan có thẩm quyền không cần thực hiện thủ tục thỏa thuận thống nhất giữa các địa phương để báo cáo Thủ tướng quyết định giao một tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền.
Thêm vào đó, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã phối hợp, hỗ trợ, đồng hành trong quá trình nhà đầu tư đề xuất dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nên có thể rút ngắn thời gian thẩm định chủ trương đầu tư dự án.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ trên.
Cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài khoảng 91 km. Trong đó, đoạn TPHCM - Trung Lương được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2010 với chiều dài 40 km, quy mô 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 8 làn xe.
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2022, với chiều dài 51 km, quy mô 4 làn xe hạn chế, giải phóng mặt bằng 6 làn xe.
Hiện tuyến trên đã quá tải nhưng ngân sách Nhà nước hạn chế, do đó Bộ GTVT đề xuất đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP. Trong đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe.