Đề xuất Chính phủ quy định lộ trình chuyển đổi phòng công chứng thành Văn phòng công chứng

(PLO)- Chính phủ quy định lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng để phù hợp với thực tiễn của từng vùng miền, địa phương trong từng giai đoạn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-10, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Chính phủ quy định lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng

Liên quan đến quy định xã hội hóa hoạt động công chứng, khoản 1 Điều 19 dự thảo quy định trường hợp địa phương đã phát triển được văn phòng công chứng (VPCC) đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức và căn cứ vào quy định của pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi phòng công chứng (PCC) thành VPCC trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

chuyển đổi phòng công chứng
Quốc hội nghe ông Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: QH

Điều luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển đổi PCC thành VPCC.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay nhiều ý kiến tán thành quy định nói trên. “Nói cách khác, Chính phủ quy định lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng để phù hợp với thực tiễn của từng vùng miền, địa phương trong từng giai đoạn” - ông Tùng nói.

Tuy nhiên, theo chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong luật về lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng.

Nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Tùng nói công chứng được xác định là dịch vụ công cơ bản, có mục đích bảo đảm an toàn pháp lý, giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa tranh chấp cho các bên tham gia giao dịch.

“Bảo đảm việc thực hiện mục tiêu xã hội hóa không có nghĩa là giải thể ngay PCC ở các địa phương” - ông Tùng nhấn mạnh.

p6_anh1_ong-hoang-thanh-tung_dd.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc chuyển đổi, giải thể PCC phải căn cứ vào tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, khách quan, toàn diện, quán triệt chủ trương của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng và bảo đảm việc triển khai theo lộ trình phù hợp, khả thi, thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định cụ thể lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng trong luật.

Chính phủ được giao quy định nội dung này để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và bảo đảm cung ứng dịch vụ công chứng cho người dân. “Việc giao Chính phủ quy định lộ trình này là phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành luật, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm tính khả thi” - ông Tùng nói.

Đề xuất khôi phục mô hình VPCC chỉ có một công chứng viên

Quy định về mô hình tổ chức VPCC cũng là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình về mô hình của VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị quy định VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân trên phạm vi cả nước; hoặc được áp dụng đối với VPCC thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định VPCC được tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn.

Do còn ý kiến khác nhau, dự thảo thể hiện hai phương án. Phương án 1 thể hiện đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển, khó khăn, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

“Việc giao Chính phủ quy định lộ trình này là phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành luật, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm tính khả thi.”

Ông Hoàng Thanh Tùng

Ông Hoàng Thanh Tùng phân tích ưu điểm của phương án này là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên (CaCV) khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển VPCC ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, do mô hình này chỉ yêu cầu một CCV làm chủ.

Mô hình này có hạn chế là khi xảy ra tình huống CCV duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.

Khi đó, việc giải quyết hậu quả về hồ sơ, chuyển giao trách nhiệm công chứng… đối với các VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân bị giải thể sẽ là vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý nhà nước.

Phương án 2, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.

Phương án này có ưu điểm là bảo đảm tính ổn định trong tổ chức và hoạt động của các VPCC, phù hợp với tính chất dịch vụ công chứng là dịch vụ công cơ bản nên cần bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ.

Dù vậy, phương án này có hạn chế là VPCC đòi hỏi phải có tối thiểu hai CCV hợp danh dẫn đến khó khăn do nguồn bổ sung CCV còn hạn chế, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhu cầu công chứng giao dịch không lớn, khó thu hút CCV thành lập VPCC để thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo phương án 1” - ông Tùng nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá đây là sự đổi mới hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho CCV phát triển hoạt động công chứng ở quy mô nhỏ, phù hợp với địa phương có nhu cầu công chứng thấp.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm pháp lý của CCV khi hành nghề dưới loại hình này, bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp.

p6_anh2_đb-nguyen-huu-thong-dd.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). Ảnh: QH

Thống nhất với phương án 1 nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị dự thảo quy định rõ thế nào là “mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ...”.

Hoặc dự thảo luật giao Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về nội dung này để tránh trường hợp các VPCC hiện nay đang hoạt động theo loại hình công ty hợp danh xin chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp tư nhân sau khi luật có hiệu lực thi hành, dẫn đến gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Quá trình thảo luận, một số đại biểu Quốc hội thể hiện sự ủng hộ với phương án 2 trong dự thảo.•

Các phòng công chứng đã xây dựng được thương hiệu và uy tín

Nêu ý kiến, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh tán thành với quy định tại dự thảo. Bà Hạnh dẫn Nghị quyết 19 xác định mục tiêu đến năm 2030 “tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu”.

Bà Hạnh cho hay TP.HCM hiện có bảy PCC nhà nước, chiếm gần 6% số lượng tổ chức hành nghề công chứng nhưng chiếm hơn 12% tổng lượng việc và chiếm 37% tổng số nộp thuế/ngân sách của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn. Điều này, theo bà Hạnh, thể hiện sự tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp, nhất là với các giao dịch lớn, có giá trị.

Bên cạnh đó, các PCC nhà nước còn phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Đây là nơi thực hiện thí điểm các chủ trương, chính sách mới, cung cấp dịch vụ cho đối tượng yếu thế, bí mật nhà nước… “Các PCC đã xây dựng được thương hiệu và uy tín trong nghề công chứng” - bà Hạnh nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm