Chiều 12-4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức đoàn khảo sát về thực tiễn thi hành pháp luật về công chứng làm với với UBND TP Cần Thơ.
Tại buổi làm việc, một số thành viên trong đoàn cho rằng Cần Thơ đã thực hiện công tác xã hội hóa sớm nhất, mạnh nhất về công chứng, vậy TP đã có đánh giá như thế nào về việc chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng?
Bà Châu Thị Minh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết, đối với việc xã hội hóa hai phòng công chứng của TP, đối với góc độ công chứng viên và văn phòng công chứng thụ hưởng sự chuyển đổi thì đã có đánh giá là thành công. Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Tư pháp đánh giá việc xã hội hóa là thành công.
Thành công ở đây là sau khi chuyển từ phòng công chứng thành văn phòng công chứng thì uy tín của văn phòng công chứng sau khi chuyển đổi vẫn giữ được uy tín với khách hàng
“Đánh giá phần này, với góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi nhận thấy việc chuyển đổi là hiệu quả. Tới thời điểm này, qua 8 năm chuyển đổi, hiện tại các văn phòng công chứng chuyển đổi này vẫn giữ vai trò đầu tàu về lĩnh vực công chứng ở Cần Thơ” – bà Minh cho hay.
Theo báo cáo, thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng, ngay sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành việc chuyển đổi tất cả các Phòng công chứng.
Cụ thể, năm 2015, UBND TP đã có các quyết định cho phép chuyển đổi lần lượt Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2 thuộc Sở Tư pháp thành Văn phòng công chứng Nguyễn Thanh Đình và Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Bích Liên.
Từ năm 2015 đến năm 2023, Cần Thơ đã tổ chức tám cuộc thanh tra đối với 74 tổ chức hành nghề công chứng, tám cuộc kiểm tra đối với 42 tổ chức hành nghề công chứng. Qua đó đã ban hành 78 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 392,5 triệu.
Năm 2015, đội ngũ công chứng viên trên địa bàn là 43 công chứng viên với 22 tổ chức hành nghề công chứng, đến nay, có 72 công chứng viên với 36 tổ chức hành nghề công chứng.
Từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-12-2023, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác tổng số hơn 1,13 triệu việc với tổng số phí công chứng là 361,5 tỉ; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản hơn 2,3 triệu việc với tổng số phí chứng thực là 11,6 tỉ; đóng góp vào ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế hơn 35,4 tỉ.